Từ ngày 15/1 tới đây, Thông tư 67/2019 ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) chính thức có hiệu lực.

Đây là thông tư từng gây tranh luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo và cũng là thông tư đang được dư luận mong đợi trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
Người dân có quyền quay phim, chụp hình CSGT trong khi làm nhiệm vụ nhưng phải đảm báo đúng quy định, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến lực lượng chức năng trong việc thực thi nhiệm vụ.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019, người dân sẽ có 5 hình thức giám sát đối với lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ năm, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng nêu rõ, những việc nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, Thông tư 67/2019 là một trong những quy định giúp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực của lực lượng công an nhân dân khi thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có CSGT.

Quá trình soạn thảo thông tư, Bộ Công an đã lắng nghe những ý kiến đóng góp để điều chỉnh cho phù hợp, điển hình là quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Trước đó, ngày 9/1, trao đổi với báo chí về việc người dân lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết: Đảng, Nhà nước cũng như ngành công an đã có nhiều biện pháp phòng ngừa chống tiêu cực để một người thi hành công vụ khó thực hiện hành vi tiêu cực.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, trong quy chế dân chủ mới ban hành, người dân được quay hình, giám sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay hình cần đảm bảo khoảng cảnh để không làm ảnh hưởng tới lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

N.Minh