(BVPL) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2012, Chính phủ đã thảo luận một Nghị định mới theo tinh thần chung là sẽ quản lý chặt các tập đoàn, tổng công ty.

 

Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử chính phủ)
Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử chính phủ)
 
Chưa có con số cụ thể nhưng sắp tới sẽ chỉ còn dưới 10 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước mà Thủ tướng có quyền hạn, trách nhiệm. Đây là thông tin do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/10.     
    
Ông Vũ Đức Đam cho biết: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
 
Hiện cả nước có 21 Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty lớn. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định cho dừng thí điểm 2 tập đoàn được hình thành trên cơ sở sáp nhập các Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng trước đây. Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện quyền hạn, trách nhiệm đối với một số tập đoàn và Chính phủ sẽ biểu quyết danh mục này.
 
Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói: “Đến giờ phút này tôi chưa nói được chính xác là 6, 7 hay 5 tập đoàn, nhưng tôi có thể nói là ít hơn 21 và sau khi các Bộ trưởng có ý kiến thì chắc chắc còn dưới 10. Tinh thần là tập đoàn nào còn giữ lại một số quyền hạn thì sẽ quản, tới đây sẽ giao quyền cho Bộ trưởng”.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Chính phủ trước thông tin tập đoàn Vinashin chuyển về Bộ Giao thông vận tải, ông Vũ Đức Đam cho biết: Trước những sai phạm của Vinashin và hậu quả mà tập đoàn này để lại, việc cơ cấu lại Vinashin là nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ đã bàn về việc này một số lần và sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm một số vấn đề trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Việc tái cơ cấu phải đạt yêu cầu đảm bảo hoạt động của Vinashin cũng như sự phát triển của ngành đóng tàu Việt Nam.
 
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, việc xử lý cán bộ có hành vi sai phạm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ đã thành lập Hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch, Hội đồng này đang chuẩn bị họp để có kết luận về hình thức kỷ luật và thông báo công khai tới dư luận.
 
Trả lời báo chí về thương hiệu vàng miếng SJC, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, không có chuyện độc quyền doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh vàng. Sở dĩ còn có những thông tin như vừa qua là do người dân chưa hiểu đúng và thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chưa đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, thương hiệu SJC sẽ thuộc về nhà nước.
 
“Hiện thương hiệu SJC đang chiếm khoảng trên 90% thị trường vàng miếng cả nước. Thời gian tới, thương hiệu vàng miếng này sẽ thuộc về Nhà nước và do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp sản xuất. SJC sẽ không được sản xuất vàng miếng nữa mà chỉ là đơn vị gia công cho Nhà nước. Tất cả các thương hiệu vàng miếng khác được cấp phép sản xuất thì đều được lưu thông trên thị trường”, Vụ trưởng Nguyễn Quang Huy cho biết.
 
Về việc thực hiện lộ trình tăng lương, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, do thu ngân sách năm nay, đầu sang năm là rất khó khăn, vì vậy chưa có đủ nguồn như dự kiến ban đầu. Cho nên Chính phủ trình Quốc hội xin lui thời hạn tăng lương, đồng thời cố gắng để tăng thu và quan trọng hơn là tiết kiệm chi để ngay sau khi có cân đối đủ nguồn thì sẽ điều chỉnh tăng lương.
 
Theo vtv.vn