Nâng cao hiệu quả quản lý thuế với nhiều điểm mới
Cập nhật lúc 12:53, Thứ hai, 24/06/2013 (GMT+7)
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế và thu hồi nợ thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đã bổ sung thêm một số điểm mới.
Cụ thể, thay đổi thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt nhằm tăng cường hiệu quả thu nợ thuế, thuận lợi trong triển khai thực hiện kế toán thuế nội địa. Theo đó, đối với các loại thuế do cơ quan thuế quản lý, thứ tự thanh toán được quy định như sau: Tiền thuế nợ; Tiền thuế truy thu; Tiền chậm nộp; Tiền thuế phát sinh; Tiền phạt. Tổng cục Hải quan đánh giá, quy định này là phù hợp với thực tế về quản lý nợ trong ngành Hải quan, ưu tiên thanh toán tiền thuế nợ quá hạn và tiền chậm nộp thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm giảm nợ xấu và giảm thiểu các vụ việc phải cưỡng chế thuế.
Về gia hạn nộp thuế: Bổ sung việc gia hạn nộp thuế đối với trường hợp doanh nghiệp phải di dời cơ sở sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp có nợ thuế do chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước.
Bổ sung quy định nộp dần tiền thuế đối với trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp đủ tiền thuế một lần. Theo đó, người nộp thuế được nộp dần tiền nợ thuế trong một khoảng thời gian nhất định (có tính tiền chậm nộp 0,05%/ngày tương đương 1,5%/tháng, 18%/năm). Việc nộp dần tiền thuế được thực hiện trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là trong các trường hợp người nộp thuế có số tiền nợ thuế lớn (do bị phạt từ 1 lần đến 3 lần thuế) và có khó khăn về tài chính trong ngắn hạn.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung quy định xoá nợ đối với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế và các khoản nợ này đã kéo dài trong thời hạn 10 năm. Thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, Luật giao cụ thể từng cấp (UBND tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ) xoá nợ tuỳ theo đối tượng nợ thuế và số tiền thuế, tiền phạt còn nợ.
Về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: Bổ sung biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu; Trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì cơ quan quản lý thuế được lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời...
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế cũng quy định rõ chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về thuế để làm rõ tính chất khoản tiền phạt chậm nộp là khoản lãi chậm nộp tiền thuế; nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế theo mức luỹ tiến. Cụ thể: đối với số ngày chậm nộp không quá 90 ngày mức lãi là 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp và 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày. Nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%. Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về thuế, quy định áp dụng thời hạn truy thu thuế là 10 năm, kể từ ngày kiểm tra phát hiện để phù hợp quy định lưu trữ chứng từ trong Luật Kế toán (Luật thuế GTGT, Luật thuế Thu nhập DN năm 2003 quy định thời hiệu truy thu thuế là 5 năm trở về trước)...
Nguyễn Anh