Tăng lương tối thiểu vùng cao nhất 240.000 đồng

Có hiệu lực từ 1/1/2020, Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ tăng thêm từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức áp dụng năm 2019.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng I tăng từ 4.180.000 đồng/tháng lên 4.420.000 đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3.710.000 đồng/tháng lên 3.920.000 đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV tăng từ 2.920.000 đồng/tháng lên 3.070.000 đồng/tháng.

Cấm ép buộc người khác uống rượu, bia

Đây là nội dung nổi bật của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. 

Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Nngười chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (hiện hành cho phép người điều khiển xe máy có nồng độ cồn miễn không vượt mức cho phép, xem). Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc...

Luật cũng cấm cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ.

leftcenterrightdel
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cấm việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. (Ảnh minh họa)   

Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 600.000 đồng

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo Nghị định này, người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng nếu người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.

Chậm làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chủ đầu tư sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP ban hành ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Lấn, chiếm đất bị phạt đến một tỷ đồng

Nghị định 91/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020.

Theo nghị định này, mức phạt cho hành vi lấn chiếm đất lên tới 500 triệu đồng với cá nhân và một tỷ đồng với tổ chức, thay vì chỉ 5 đến 10 triệu đồng như hiện hành.

Hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt 5 đến 150 triệu đồng, tùy mức độ lấn chiếm.

Bỏ quy định cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C

Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008 ban hành quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2020.

Những chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT trước đó thì vẫn có giá trị sử dụng.

Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc.

Cấm đánh đập, hành hạ vật nuôi

Đây là một trong những nội dung mới tại Luật Chăn nuôi 2018 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Luật này quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Theo đó, đã quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi như sau: Không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh…

Đồng thời, Luật cũng quy định khi giết mổ vật nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; phải có biện pháp gây ngất trước khi giết mổ; không để chúng chứng kiến cảnh đồng loại bị giết mổ.

PV(T/h)