(BVPL) - Ngày 25/12/2013, Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, Nghị định 157 đã đưa ra một số quy định mâu thuẫn với Điều 190 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 liên quan đến việc xử lý các vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD). Sau một thời gian áp dụng, những mâu thuẫn này đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và làm giảm ý nghĩa răn đe, ngăn ngừa tội phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD.
Vi phạm bảo vệ ĐVHD nhóm IB chỉ bị phạt... hành chính
Thời gian qua, các vụ vi phạm bảo vệ ĐVHD diễn ra tràn lan, ở nhiều nơi, nhưng theo ghi nhận, việc xử lý các đối tượng vi phạm đều chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 157. Điển hình như vụ việc nấu cao ĐVHD ngày 07/11/2013 tại Hà Tĩnh. Tang vật được phát hiện có các bộ phận của loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB gồm 01 bộ da báo, 5 móng báo 01 đầu sơn dương và 04 chân sơn dương, được sử dụng để nấu cao hổ giả nhằm mục đích bán cho khách hàng. Tuy nhiên, vụ việc chỉ được hoàn thành hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 157. Tiếp đến, trong vụ việc vận chuyển trái phép một cá thể voọc chà vá chân đỏ (nâu) – loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB ngày 12/12/2013 tại Quảng Bình, đối tượng vi phạm cũng chỉ bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng cho hành vi vận chuyển cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá “dưới 7 triệu đồng” theo quy định tại Điều 22 Nghị định 157. Ngày 12/11/2013, vụ việc vận chuyển 16 bộ xương hoàn chỉnh của Voọc chà vá chân đen đã được phát hiện tại tỉnh Cao Bằng. Vụ việc sau đó được đưa lên Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử. Tuy nhiên, áp dụng quy định tại Nghị định 157, vụ việc cuối cùng được chuyển về cho cơ quan kiểm lâm sở tại xử lý hành chính với mức phạt 10 triệu đồng.
Gần đây nhất, ngày 29/3/2014 vụ việc ông Nguyễn Văn Sơn vận chuyển 26 cá thể rắn hổ mang chúa, trọng lượng 79kg thuộc loại ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB được phát hiện tại Quảng Trị với mục đích chở ra Móng Cái để tiêu thụ. Trong vụ việc này, áp dụng quy định của Nghị định 157, ông Sơn cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng cho hành vi vận chuyển động vật rừng trái pháp luật.
Rất nhiều loài ĐVHD ở Việt Nam hiện nay được liệt kê trong nhóm IB của Nghị định 32 (có nguy cơ tuyệt chủng cao) được xem là nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp và thậm chí chỉ phân bố ở Việt Nam mà không có ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới như: Sao La, Voọc Mông Trắng, Voọc Cát Bà, Voọc mũi hếch và nhiều loài khác. Tuy nhiên, theo các quy định mới trong Nghị định 157 thì các vi phạm liên quan đối với các loài này hầu như sẽ không bị xử lý hình sự vì giá trị kinh tế của chúng không cao. Ví dụ, nếu săn bắn 10 cá thể voọc chà vá hay vài cá thể Sao La thì đối tượng vi phạm cũng sẽ không bị xử lý hình sự do tổng giá trị của chúng chưa đến 100 triệu đồng.
Nghị định 157 và những mâu thuẫn
Theo các quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Điều 21, 22, 23 của Nghị định 157: Các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nhốt, lấy dẫn xuất, giết; vận chuyển; mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh trái pháp luật ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB và các sản phẩm, bộ phận của chúng chỉ bị xử lý hình sự nếu giá trị tang vật là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB có giá trị trên 100 triệu đồng. Hành vi nuôi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB chỉ bị xử lý hành chính, không có chế tài xử lý hình sự đối với hành vi này.
Các quy định trên đây đã trái với quy định tại Điều 190 BLHS - Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 190 BLHS: “1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Phạm tội gây hậu quả “rất nghiêm trọng” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” thì có thể bị phạt lên đến 7 năm tù theo quy định tại Khoản 2 Điều 190.
Trong khi đó, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng cũng chỉ đạo “đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong việc mua bán, vận chuyển mẫu vật tê giác, voi và mẫu vật của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác”.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên ENV cho biết: Chúng tôi vô cùng quan ngại về việc áp dụng Nghị định 157 như hiện nay bởi lẽ chế tài không đủ sức răn đe, Nghị định 157 đã vô tình gia tăng sức ép khai thác và săn bắn các loài ĐVHD trong tự nhiên và như vậy sẽ làm càng gia tăng nguy cơ bị tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam.”
Từ cuối tháng 02/2014, ENV đã có văn bản gửi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đề xuất sửa đổi Nghị định 157 về các quy định liên quan đến ĐVHD để đảm bảo sự phù hợp với các quy định của BLHS nói riêng và pháp luật Việt Nam về bảo vệ ĐVHD nói chung.Vừa qua, ngày 12/5/2014, lãnh đạo Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 157/2013/NĐ-CP đã có buổi gặp với ENV để làm rõ vấn đề áp dụng pháp luật có liên quan đến việc xử lý hình sự tội phạm về ĐVHD.
Trần Tâm