Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2016
Cập nhật lúc 03:48, Thứ bảy, 02/07/2016 (GMT+7)
Từ hôm nay (1/7), Luật trưng cầu ý dân 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định rõ 4 vấn đề trọng đại của đất nước mà Quốc hội cần xem xét, quyết định trưng cầu ý dân. (quy định, thi hành, Quốc hội, Luật Trưng cầu ý dân)
Từ hôm nay (1/7), Luật trưng cầu ý dân 2015 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định rõ 4 vấn đề trọng đại của đất nước mà Quốc hội cần xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.
Ai có quyền đề nghị trưng cầu dân ý
Các vấn đề mà Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Cũng theo quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Khi có từ một phần ba tổng số đại biểu quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Công dân đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này.
Cấm gửi tin rác rao bán hàng
Quy định trên được nêu rõ tại Luật an toàn thông tin mạng 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng cần phải có phương thức để người tiếp nhận thông tin có thể từ chối việc tiếp nhận thông tin.
Ngoài ra, Luật cũng nghiêm cấm việc thu nhập và sử dụng các thông tin cá nhân trên mạng của người khác trái pháp luật, hoặc lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập các thông tin cá nhân này….Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự. Các tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân chỉ được thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó.
Cũng từ hôm nay, 12 luật khác có hiệu lực thi hành, gồm: Luật khí tượng thủy văn; Luật thú y; Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo; Luật điều ước quốc tế; Luật an toàn vệ sinh lao động; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi các luật về thuế; Bộ luật tố tụng dân sự; Luật tố tụng hành chính; Luật thống kê; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. |
Theo Tiền phong
.