Ngoài những thay đổi về mức chiết trừ gia cảnh (đối với người nộp thuế trừ 9 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng), luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi còn có nhiều điểm đáng lưu ý.
Trả lời Thanh Niên về những điểm mới này, bà Trịnh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM, cho biết:
Trước đây, quy định chỉ cho phép khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại VN được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thì nay người VN đi làm việc ở nước ngoài cũng được trừ theo mức ghi trên hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động. Trước đây, khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động (NLĐ) về phép mỗi năm một lần áp dụng cho người nước ngoài thì nay cũng được áp dụng cho NLĐ VN làm việc ở nước ngoài. Các khoản học phí cho con của người VN đang làm việc ở nước ngoài hoặc tại nước ngoài từ mầm non đến trung học phổ thông cũng được trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế. Khoản hỗ trợ của tổ chức trả thu nhập cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân NLĐ và thân nhân của NLĐ thu nhập từ học bổng không những được miễn thuế mà cả tiền sinh hoạt phí theo chương trình hỗ trợ khuyến học cũng được miễn thuế.
Được biết trong cách quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế có sự thay đổi, bà có thể giải thích rõ hơn?
Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (bao gồm tiền lương, tiền công không bao gồm thuế) cộng các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho NLĐ nếu có, bao gồm các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền, trừ đi các khoản giảm trừ. Trường hợp trong các khoản doanh nghiệp trả thay cho NLĐ có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế tại đơn vị. Quy định này được áp dụng từ ngày 1.10.2013. Với cách tính này, số thuế của những người được hưởng thêm các lợi ích khác không phải bằng tiền ngoài tiền lương, thưởng… sẽ tăng lên so với trước. Ví dụ, tại TP.HCM có một cá nhân có tổng thu nhập chịu thuế năm 2012 là 15,519 tỉ đồng, số thuế phải nộp là 5,16 tỉ đồng. Qua năm 2013, số thu nhập quy đổi này sau khi tính đủ các lợi ích không phải bằng tiền như tiền thuê nhà, thẻ đánh golf, xe đưa đón… sẽ tăng lên thành 15,667 tỉ đồng, số thuế nộp là 5,19 tỉ đồng (do quy định này được áp dụng trong 3 tháng cuối năm 2013). Sang năm 2014, tổng thu nhập quy đổi (loại trừ tỷ giá) sẽ tăng lên là 16,616 tỉ đồng và số thuế phải đóng là 5,507 tỉ đồng. Nếu so sánh giữa hai năm 2012 và 2014, số thuế cá nhân này đóng sẽ tăng lên 346,8 triệu đồng (tương đương mức tăng 7%).
Những người trên 18 tuổi thi rớt đại học và đang học để ôn thi lại có được tính là người phụ thuộc không?
Quy định mới cho phép tính cá nhân trên 18 tuổi đang học bậc phổ thông trung học, tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12 là người phụ thuộc.
Những người làm việc ở một nơi nhưng có phát sinh thêm thu nhập ở nơi khác, vậy cuối năm có phải tự đi làm quyết toán thuế hay chỉ cần ủy quyền cho đơn vị chi trả thu nhập thường xuyên thực hiện?
Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh thường xuyên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở nơi khác và thu nhập bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng, đã khấu trừ tại đơn vị trả thu nhập, nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này. Trường hợp vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công vừa có thu nhập từ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất mà có mức doanh thu từ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng, đã thực hiện nộp thuế tại nơi kinh doanh, nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập từ cho thuê nhà, mặt bằng. Quy định này sẽ làm giảm tải tình trạng xin hoàn thuế vào cuối năm đã phát sinh thời gian qua.
Trường hợp thu nhập vãng lai và tiền cho thuê nhà trên các mức trên, cá nhân phải thực hiện tổng hợp các chứng từ để cuối năm thực hiện quyết toán thuế.
Kể từ ngày 1.10, NLĐ tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính được trừ khoản đóng góp này ra khỏi thu nhập chịu thuế nhưng tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm). Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
Theo Thanh niên