Sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố với 447 đại biểu tán thành (đạt 89,76%). Luật Phòng, chống khủng bố được thông qua gồm 8 chương, 51 điều…
 


Luật quy định người chỉ huy chống khủng bố là người được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong khi, một số ý kiến đề nghị quy định rõ “cấp có thẩm quyền” là chủ thể nào hoặc chỉ rõ là “Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố”.

Giải thích về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Khi các vụ khủng bố xảy ra, tùy theo tính chất, mức độ, quy mô mà quyết định phân công người chỉ huy và các lực lượng chống khủng bố cho phù hợp. Hiện nay đã có một số quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm quyền chỉ đạo, chỉ huy giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo các cấp độ, quy mô khác nhau. Trong Luật này không quy định cụ thể người có thẩm quyền quyết định phân công người chỉ huy chống khủng bố mà giao Chính phủ quy định, hướng dẫn để bảo đảm đầy đủ, cụ thể và phù hợp với các quy định hiện hành.

Luật quy định, chống khủng bố được thực hiện bằng các biện pháp theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố là các biện pháp được thực hiện ngay khi khủng bố đã, đang hoặc có căn cứ để cho rằng sẽ xảy ra nhằm kịp thời ngăn chặn khủng bố, loại trừ, hạn chế tác hại của khủng bố. Các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố bao gồm: Bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố; giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân, cách ly người, di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm của khủng bố; thương thuyết với đối tượng khủng bố; bao vây, truy tìm, khống chế, bắt giữ đối tượng khủng bố; vô hiệu hóa vũ khí, công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện khủng bố; tấn công, tiêu diệt đối tượng khủng bố, phá hủy vũ khí, công cụ, phương tiện đang được sử dụng để khủng bố; tạm dừng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, truyền thông bị lợi dụng để khủng bố; phá, dỡ nhà, công trình xây dựng, di dời chướng ngại vật gây cản trở hoạt động chống khủng bố; đặt chướng ngại vật để cản trở hoạt động khủng bố; bảo vệ, di chuyển, che giấu, ngụy trang công trình, mục tiêu là đối tượng tấn công của khủng bố; huy động lực lượng, phương tiện để chống khủng bố; kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính; ngừng các giao dịch tiền, tài sản; tạm giữ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố; bóc mở, kiểm tra, thu giữ thư, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, gói, kiện hàng hóa liên quan đến khủng bố; thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến khủng bố.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định các biện pháp chống khủng bố cụ thể trong Luật, nhất là biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”; có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng”; có ý kiến đề nghị quy định bổ sung biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố. Giải thích việc vẫn giữ lại các biện pháp này trong luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra: Biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”, “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng” là 2 biện pháp đã được đúc rút kinh nghiệm trong thực tế xử lý tình huống khủng bố ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế. Còn biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố được xác định là một biện pháp chống khủng bố, đã được quy định tại khoản 1 Điều 30 (các biện pháp theo quy định pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội), nhưng không phải là một biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay.
 

Theo Quân đội nhân dân