Luật Đất đai bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần sửa đổi

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả…

Tuy vậy, Bộ TN&MT khẳng định, Luật Đất đai cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan có liên quan về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Nguồn lực về đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển nhưng chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng. Có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư, tại một số địa phương vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế.

Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm.

Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất

Theo Bộ TN&MT, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai; Dự thảo Luật được kỳ vọng giúp hoàn thiện đồng bộ các chế định cho xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở ba cấp. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Từ đó, giúp tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.

Dự thảo Luật cũng quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

leftcenterrightdel
 Dự thảo Luật cũng quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất.(ảnh minh họa).

Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Có các cơ chế kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền về phân cấp như: thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu cập nhật các biến động về quản lý của địa phương về Trung ương, các cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, dự thảo Luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; đồng thời, giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo Bộ TN&MT, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của HĐND; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023); dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Dự thảo Luật gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ tám điều. Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương (bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành hai chương).

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi):

 

Hồng Vân