Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để thay thế cho biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 93 - Bộ luật Tố tụng Hình sự ( TTHS). Mặc dù đã qua hơn 20 năm áp dụng nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục... Để tháo gỡ “nút thắt” này, Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn việc áp dụng đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để thay thế biện pháp tạm giam…
|
Việc đặt tiền thay thế tạm giam đòi hỏi độ minh bạch lớn |
Thống nhất các quy định của luật
Theo nội dung Dự thảo TTLT Bộ Tư pháp đang xây dựng quy định về đối tượng, điều kiện áp dụng; trình tự thủ tục áp dụng, hủy bỏ biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (sau đây gọi tắt là biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm); trả lại tiền hoặc tài sản bảo đảm, áp dụng đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT), người THTT, cơ sở giam giữ, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Việc áp dụng đặt tiền để thay thế tạm giam, được cơ quan THTT cân nhắc toàn diện và đầy đủ các điều kiện về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, đối chiếu với yêu cầu về bảo đảm hiệu quả ngăn chặn... Cụ thể, cơ quan THTT có thể áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam khi có đủ các điều kiện như: Bị can, bị cáo có nhân thân tốt (chưa có tiền án tiền sự; thành khẩn, ăn năn, hối lỗi; là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; là người chưa thành niên và đang đi học); Bị can, bị cáo phải có khả năng về tài chính.
Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên mà không có hoặc không đủ tiền, tài sản bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp; Có căn cứ để tin rằng, bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan THTT hoặc không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội…
Căn cứ vào khả năng tài chính của bị can, bị cáo, của người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chưa thành niên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền, trị giá tài sản cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm hiệu quả ngăn chặn của biện pháp này nhưng không dưới 10 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 150 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 350 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền, trị giá tài sản thấp hơn nhưng không dưới 1/2 của các mức tương ứng nói trên đối với bị can, bị cáo thuộc một trong các trường hợp sau: Bị can, bị cáo cư trú tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thuộc hộ nghèo; là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; là người mắc bệnh hiểm nghèo mà có nơi cư trú rõ ràng; người trên 70 tuổi hoặc người trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau, bệnh tật; người chưa thành niên; người lao động chính trong gia đình.
Áp dụng minh bạch để hiệu quả
Theo Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế cho biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 93 - Bộ luật TTHS trên cơ sở kế thừa và sửa đổi quy định tại Điều 76 của Bộ luật TTHS năm 1988. Mặc dù đã qua hơn 20 năm áp dụng nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục, cơ quan có trách nhiệm, chế độ quản lý tiền, tài sản bảo đảm… do vậy, các cơ quan THTT đã gặp không ít khó khăn. Những hạn chế này sẽ được tháo gỡ khi Dự thảo TTLT hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo ban hành và xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện TTLT này sau khi ban hành cũng cần có một số hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ hơn bởi một số quy định của Dự thảo TTLT này vẫn còn mang tính chung chung.
Cùng quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật (Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội) cho rằng, đây là biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đã tiếp thu và đưa vào luật từ năm 1988. Tuy nhiên, vì thiếu các quy định cụ thể nên đã không được thực hiện. Điều này một phần do tình hình kinh tế xã hội của ta chưa phù hợp để áp dụng, đồng thời, chưa có những văn bản cụ thể để hướng dẫn thi hành. Do vậy, các cơ quan THTT không thực hiện được. Một vấn đề khác nữa là khi áp dụng biện pháp này không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng cơ quan THTT không áp dụng vì thiếu sự chỉ đạo thống nhất. Khi văn bản này được ban hành chắc chắn sẽ phát huy được tác dụng, hiệu quả trong công tác điều tra xử lý tội phạm của cơ quan THTT. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao thì quan trọng vẫn là khâu vận dụng, hệ thống tư pháp cần minh bạch. Nếu thiếu sự minh bạch sẽ phản tác dụng.
Ông Nguyễn Văn Luân (SN 1950, trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định thông tư này thể hiện sự tiến bộ và hết sức văn minh, đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều người dân khác ông Luân không khỏi băn khoăn, liệu đối với những đối tượng phạm tội, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để thay thế tạm giam nhưng họ lại không có tiền thì sao? Còn đối với đối tượng phạm tội có tiền được đặt để thay thế biện pháp tạm giam nhưng khi tại ngoại mà lại phạm tội thì quả là vấn đề cần phải được xem xét kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ hơn nữa.
(Còn nữa)
Quang Trường / ANTĐ