Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định một số nội dung triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 


2 phương pháp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Theo dự thảo, các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào nội quy, quy trình làm việc.

Việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện trên cơ sở kết hợp hai phương pháp: đánh giá định tính và đánh giá định lượng. Đánh giá định tính là phương pháp tiếp cận nhằm mô tả và phân tích đặc điểm điều kiện lao động của các nghề, công việc, quy trình sản xuất để nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo cảm quan của con người. Đánh giá định lượng: là phương pháp chấm điểm đánh giá trên cơ sở  kết quả quan trắc môi trường lao động, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Thời điểm đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động do người sử dụng lao động quyết định nhưng phải đảm bảo đánh giá tổng thể ít nhất một lần trong 3 năm. Đồng thời, trong quá trình triển khai phải thường xuyên rà soát, cập nhật khi có những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh mới do thay đổi về nguyên vật liệu đến công nghệ, tổ chức sản xuất hoặc khi có tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Ngay sau khi phê duyệt, người sử dụng lao động có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến hoặc hướng dẫn cho người lao động cũng như khách đến tham quan cách nhận biết và biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Theo dự thảo, các hồ sơ trong quy trình đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được lưu trữ. Kết quả đánh giá tổng thể nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày được người sử dụng phê duyệt.

Tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động

Theo dự thảo, người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động chủ động quyết định theo hướng dẫn nhưng phải bảo đảm việc kiểm tra toàn diện được tiến hành ít nhất 6 tháng/lần ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 3 tháng/1 lần ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất.

Đối với nhóm công ty hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì các quy định về tự kiểm tra được áp dụng cho từng công ty trong nhóm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
 

Theo Chinhphu.vn

.