(BVPL) - Mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, áp dụng chế độ nghỉ khi vợ sinh con cho nam giới, thực hiện lộ trình tăng tuổi hưu… là những điểm mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi trong buổi tọa đàm báo chí về những nội dung và cải cách trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Bộ LĐTBXH phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức vào chiều 5-8.
 
Tăng độ tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ
 
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, một trong những cải cách của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đó là đã bổ sung về đối tượng tham gia BHXH. Theo đó, đối với BHXH bắt buộc, bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới ba tháng. Với BHXH tự nguyện, mở rộng đối tượng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động (Ảnh minh họa)
Sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động (Ảnh minh họa)
 
Phương án tăng tuổi nghỉ hưu được dự thảo Luật đề cập là đến năm 2016 và đến năm 2020. Theo đó, tăng tuổi nghỉ hưu đến năm 2016, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án: phương án 1, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ; phương án 2 quy định, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
 
Dự thảo đề xuất 2 phương án lùi thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
 
Về công thức tính lương hưu, dự thảo cũng sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần hàng năm từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu bắt đầu từ năm 2016. Công thức tính hưởng lương hưu được sửa đổi để đảm bảo đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ; cân đối giữa mức  đóng góp và mức thụ hưởng, công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH ở các khu vực, thành phần kinh tế khác nhau.
 
Có chế độ thai sản cho cả vợ và chồng
 
Theo dự thảo, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
 
Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định khi có đủ các điều kiện: (1) sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; (2) có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khoẻ của người lao động; và (3) phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Về tiền lương, tiền công, lao động nữ đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản được hưởng tiền lương của những ngày làm việc và 100% chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định.
 
Về dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, dự thảo quy định: trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định mà sức khoẻ còn yếu thì lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5-10 ngày. Mức hưởng bảo hiểm ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung.

 

Chồng sẽ được nghỉ 5-7 ngày khi vợ sinh con
Chồng sẽ được nghỉ 5-7 ngày khi vợ sinh con (Ảnh minh họa).
 
Cũng theo nội dung dự thảo, lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc kể từ 30 ngày đầu sau sinh. Trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc không kể ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết.
 
Trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người vợ theo quy định. Nếu cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia BHXH nhưng không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người vợ theo quy định.
 
Đặng Sinh (TH)