Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quy định hòa giải thương mại
Cập nhật lúc 23:35, Thứ bảy, 04/03/2017 (GMT+7)
Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc, chính sách, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
(BVPL) - Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định rõ nguyên tắc, chính sách, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
Nguyên tắc hòa giải
Nghị định yêu cầu việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đảm bảo nguyên tắc các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Nếu xảy ra tranh chấp thì đôi bên có thể thỏa thuận để giải quyết bằng hòa giải thương mại. Trước, sau hoặc bất kỳ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp đều có thể quyết bằng hòa giải.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại; khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại. Bởi biệc giải quyết tranh chấp bằng thỏa thuận khiến cho đôi xảy ra tranh chấp đều có lợi, tránh tốn thời gian, công sức,tiền của của nhà nước.
Trình tự hòa giải
Theo Nghị định các bên xảy ra tranh chấp có quyền lựa chọn hòa giải bằng Quy tắc của tổ chức hòa giải thương mại hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thấy phù hợp với tình hình thực tế, nguyện vọng của đôi bên và được đôi bên nhất trí hòa giải.
Khi xảy ra tranh chấp các bên có quyền mời một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại giúp đỡ để đi đến thỏa thuận.
Những hòa giải viên thương mại được tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp có quyền đưa đề xuất giải quyết tranh chấp vào bất kì thời điểm nào trong quá trình.
Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Đàm Phương