Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiền lương tăng thêm với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 2,34 trở xuống. Nhà nước huy động 10% khoản tiết kiệm chi thường xuyên, 40% khoản thu để lại và 50% khoản tăng thu ngân sách địa phương để thực hiện.
 
Với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, người lao động được tăng thêm đến 300.000 đồng/tháng do điều chỉnh lương năm nay.
Với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, người lao động được tăng thêm đến 300.000 đồng/tháng do điều chỉnh lương năm nay.
 
Về đối tượng cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương, Nghị định nêu rõ, những người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống, bao gồm: Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công; Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Luật Viên chức năm 2010; Cán bộ, công chức cấp xã; Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
 
Nhóm đối tượng được tăng lương năm nay còn có người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao của đơn vị sự nghiệp công lập và hội có tính chất đặc thù; Giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; Viên chức làm việc trong Trạm Y tế xã.
 
Nhóm công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; Công nhân, nhân viên công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân; Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tổ chức cơ yếu cũng thuộc diện được tăng lương lần này.
 
Mức tiền lương tăng thêm được tính, người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng (gồm hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh hiện hưởng nhân mức lương cơ sở). Cụ thể, công thức tính là: Mức tiền lương tăng thêm hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh x Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng x 8%
 
Nghị định của Chính phủ quy định, tiền lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tính các loại phụ cấp lương.
 
Kinh phí thực hiện việc tăng lương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) của cơ quan, đơn vị.
 
Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ năm 2015 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với số thu dịch vụ sử dụng tối thiểu 40% chênh lệch thu, chi từ hoạt động dịch vụ. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).
 
Sử dụng 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể tăng thu tiền sử dụng đất và khoản 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2015 so với dự toán năm trước sau khi đảm bảo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng còn dư).
 
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2014 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.
 
Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện mức tiền lương tăng thêm trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu nguồn.
 
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2015 tuy nhiên, chế người lao động được tính hưởng vẫn là kể từ ngày 1/1/2015.
 
Theo Dân trí
.