Từ 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, một số hành vi vi phạm pháp luật như sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người... sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, BLHS cũng đã bỏ một số tội do không còn phù hợp với thực tiễn.

 

 Theo BLHS 2015, việc đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được siết chặt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Theo BLHS 2015, việc đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ được siết chặt hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động


Xâm phạm quyền tự do báo chí: Phạt tù!

Một loạt các tội danh mới được bổ sung như: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm; Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người; Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân; Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Trong các tội danh trên, đáng chú ý là tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Theo luật sư Hoàng Huy Được - Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi khiêu dâm trẻ em thể hiện ở các dấu hiệu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Nếu thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội với 2 người trở lên, vì mục đích thương mại, tái phạm nguy hiểm... người phạm tội có thể bị phạt tù đến 12 năm.

Còn đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động: Quy định này áp dụng với những người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, song họ lại gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Căn cứ vào số tiền trốn đóng bảo hiểm, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng-1năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại nếu phạm tội này có thể bị phạt tiền tới 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, đối tượng có hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, nếu theo BLHS hiện hành, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người chỉ là một tình tiết tăng nặng của tội giết người thì BLHS 2015 đã xây dựng thành tội danh cụ thể: Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Theo đó, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Bỏ tội tảo hôn, kinh doanh trái phép

Bên cạnh việc bổ sung các tội danh mới, BLHS 2015 đã bỏ một số tội như: Tảo hôn; Kinh doanh trái phép; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh…

Cho rằng việc bỏ tội tảo hôn là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, tảo hôn nghĩa là nam lấy vợ trước 20 tuổi, nữ lấy chồng trước 18 tuổi. Mặc dù, BLHS hiện hành quy định tội danh tảo hôn với khung hình phạt khá nặng, song thực tế cho thấy, thời gian qua có rất ít trường hợp tảo hôn bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính chứ chưa nói đến xử lý hình sự. Bên cạnh đó, mặc dù tảo hôn có thể tác động xấu tới đời sống xã hội song nó không phải là nguyên nhân gây mất ANTT, an toàn xã hội.

Tương tự, đối với tội kinh doanh trái phép, Hiến pháp 2013 đã thể hiện nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Mặt khác, những lĩnh vực cấm kinh doanh thì đã được quy định cụ thể trong một số điều của BLHS 2015. Vì vậy, việc bỏ tội kinh doanh trái phép nhằm bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
 
Cũng theo luật sư Thành Trung, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có các dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn giống như chủ thể tội phạm quy định trong chế định các tội phạm về chức vụ.

Hơn nữa, trong thực tiễn, ranh giới giữa tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” các tội khác như tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản… là khá mong manh nhưng chế tài tội này lại nhẹ hơn. Do đó, việc bỏ tội này và xử lý hành vi phạm tội bằng các tội danh cụ thể sẽ đảm bảo tính thống nhất và nghiêm minh của pháp luật.

 

Theo An ninh thủ đô

.