(BVPL) - Mới đây, tại trụ sở VKSNDTC, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã chủ trì cuộc họp với một số đơn vị liên quan của VKSNDTC để triển khai kế hoạch soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) về những nội dung thuộc trách nhiệm soạn thảo của VKSNDTC.

Từ khi ra đời đến nay (năm 1999), Bộ luật hình sự là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt nên Bộ luật hình sự đã bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Đặc biệt, việc thực hiện đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về các mặt kinh tế, xã hội và ngoại giao đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Điều này đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Bộ luật Hình sự hiện hành một cách cơ bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Chính vì thế, dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này và Bộ Tư pháp được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Tại cuộc họp, sau khi nghe Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC báo cáo về một số nội dung liên quan đến kế hoạch soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) phần thuộc trách nhiệm được phân công soạn thảo của VKSNDTC và ý kiến đóng góp của một số đơn vị liên quan, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đã phát biểu nêu rõ, VKSNDTC được phân công soạn thảo Chương XIII (Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân), Chương XXI (Các tội xâm phạm về chức vụ) và Chương XXII (Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) của dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi). Để thực hiện nhiệm vụ được giao, VKSNDTC đã ban hành Kế hoạch soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) phần thuộc trách nhiệm được phân công đồng thời khẳng định, việc xây dựng dự thảo Bộ luật hình sự của VKSNDTC cần thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến pháp luật hình sự; bám sát định hướng cơ bản xây dựng dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) của Ban soạn thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi); việc xây dựng  dự thảo phải trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành; kế thừa những quy định đang phát huy hiệu quả; sửa đổi, bổ sung những nội dung mà thực tiễn áp dụng gặp khó khăn, vướng mắc. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự phải đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, khả thi và có tính dự báo cao, là công cụ sắc bén, hữu hiệu đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời phải đảm bảo tiến độ, mục đích, yêu cầu đặt ra.
 

Văn Tình

.