(BVPL) - Dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) và sự điều hành của đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, mới đây tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức hội nghị góp ý đối với dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi). Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh và các đồng chí Lãnh đạo, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Kiểm sát viên, Điều tra viên một số đơn vị thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát quân sự Trung ương...
 

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.


Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC đã trình bày tóm tắt những nội dung cơ bản đề xuất, sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Theo Viện khoa học kiểm sát, sau một thời gian xây dựng, chỉnh lý, dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều quy định về những vấn đề chung của Bộ luật; về khởi tố, điều tra vụ án hình sự; về quyết định việc truy tố; về xét xử vụ án hình sự và xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; về thi hành án hình sự; về thủ tục đặc biệt; về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Cùng với đó, quá trình xây dựng Bộ luật cũng nổi lên một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; về mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với Trợ lý Điều tra viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên; về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về quyền của bị can đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra; về thẩm quyền khởi tố của Tòa án; về việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt; về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa …

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, các ý kiến phát biểu tham luận đã tập trung vào một số nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi) như: Những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự; khởi tố vụ án hình sự; những quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra và cơ chế để đảm bảo Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong các giai đoạn này; những biện pháp điều tra đặc biệt; về chứng cứ, chứng minh; về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; về điều tra vụ án hình sự…  

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc đóng góp các ý kiến đối với dự thảo Bộ luật. Điểm lại những công việc quan trọng mà Ban Soạn thảo đã thực hiện trong thời gian qua, những công việc tiếp tục phải làm trong thời gian tới, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Tổ Biên tập Bộ luật tiếp thu, tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tại hội nghị để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Bộ luật từ đó nhằm góp phần xây dựng một Bộ luật có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.    
 

Thành Luân

.