(BVPL) - Ngày 01 tháng 4 năm 2013, Ban chỉ đạo các Chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội VKSNDTC đã ban hành Kế hoạch số 28/KH-VKSTC-BCĐ (Kế hoạch 28) về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm năm 2013.

Theo đó, Kế hoạch 28 nêu rõ: Thứ nhất, thực hiện Kế hoạch 130/KH-VKSTC ngày 07/12/2012 của VKSNDTC về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015; nâng cao chất lượng báo cáo, xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, chủ động tham mưu, đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đánh giá chính xác kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm trong Ngành. Tăng cường công tác thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó phân tích tình hình tội phạm, đề xuất kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc trách nhiệm của VKSND; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành theo sự phân công của Ban chỉ đạo 138/CP.

 

Thứ hai, phối hợp cùng CQĐT và các cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động điều tra phấn đấu nâng tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt trên 90%; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; thực hiện tốt trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc phê chuẩn, áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong hoạt động xét xử, trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”. Tiếp tục phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử lưu động nhằm tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, răn đe tội phạm, giáo dục phòng ngừa chung; tổ chức tốt các phiên tòa để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án và tổ chức đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án. Chú trọng các trường hợp được hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án và trốn thi hành án...

 

Thứ ba, thực hiện tốt chương trình xây dựng Luật của Quốc hội; tập trung tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), nhất là các nội dung liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống Viện kiểm sát trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; chủ trì nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); tích cực phối hợp với các ngành đẩy nhanh việc xây dựng các thông tư liên tịch, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong Ngành. Tham gia các dự án, đề án về phòng, chống các loại tội phạm hình sự thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015.

 

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm để cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm trong công tác này; nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của VKSND đối với công tác phòng, chống tội phạm.

 

Thứ năm, tăng cường phối hợp hành động và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thực hiện tốt công tác tương trợ tư pháp về hình sự, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm.

 

Thứ sáu, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; chú trọng công tác xây dựng, nhân rộng và học tập các gương điển hình trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm...
 

P.V

.