leftcenterrightdel
  Qua những cuộc ly hôn có yếu tố nước ngoài như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai ảo mộng đổi đời từ nơi đất khách quê người. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án xin ly hôn có yếu tố nước ngoài đều có một điểm chung là mục đích hôn nhân không đạt được, với lý do: Sau khi kết hôn, người chồng là người nước ngoài phải trở về nước và không trở lại Việt Nam để bảo lãnh người vợ sang đoàn tụ, do thời gian chờ đợi bảo lãnh quá lâu, thậm chí mất liên lạc với nhau, nên người vợ phải xin ly hôn. Hoặc có trường hợp người vợ tuy được người chồng bảo lãnh sang nước ngoài đoàn tụ, nhưng sau đó cũng phải trở về nước do bất đồng về ngôn ngữ  và khởi kiện ra tòa xin ly hôn.

Cụ thể, trường hợp chị H. (SN 1988) kết hôn với anh Y. (quốc tịch Hàn Quốc, SN 1972). Qua mai mối, hai người này quen biết nhau và đăng ký kết hôn vào năm 2008, ba tháng sau thì chị H. được chồng bảo lãnh sang Hàn Quốc. Trong những ngày chị H. và anh Y. cùng chung sống, do không hòa hợp, bất đồng ngôn ngữ, nhất là về phong tục tập quán, cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, nên chị H. và gia đình anh Y. bất hòa nhau. Do mâu thuẫn ngày càng kéo dài nên đến năm 2011 thì chị H. đã bỏ về Việt Nam và làm đơn khởi kiện xin ly hôn với anh Y.

Theo VKSND tỉnh, về trình tự thủ tục tố tụng để được Tòa án chấp nhận cho ly hôn phải thực hiện đầy đủ việc ủy thác tư pháp tại các nước có bị đơn là người nước ngoài. Tuy nhiên, phía bị đơn không hợp tác khi Tòa án tiến hành các bước thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Kết quả Tòa án nhận được là đương sự không nhận được tài liệu do địa chỉ không rõ ràng hoặc đương sự không sống tại địa chỉ mà phía nguyên đơn cung cấp.

Có trường hợp phía bị đơn trực tiếp nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan thẩm quyền và thường xuyên sang Việt Nam, nhưng họ vẫn bỏ mặc, không quan tâm đến việc Tòa án đang thụ lý vụ án xin ly hôn mà chính họ là bị đơn và họ không tham gia bất kỳ thủ tục tố tụng nào tại Tòa án. Đây là nguyên nhân dẫn đến hồ sơ tồn đọng, kéo dài nhiều năm, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện.

Từ đó, VKSND tỉnh Kiên Giang nhận định, các cuộc hôn nhân nói trên không xuất phát từ tình cảm thực sự của hai bên nam nữ, mà từ lợi ích cá nhân, họ mong muốn được sang nước ngoài nhằm cải thiện phần nào kinh tế cho bản thân và gia đình, nhưng sau đó họ phải đối mặt với cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và những hệ lụy kéo dài về sau.

Qua những cuộc ly hôn trên như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai ảo mộng đổi đời từ nơi đất khách quê người, phải thận trọng, sáng suốt hơn trong việc lựa chọn bạn đời và cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để hòa nhập vào cuộc sống mới./.

Nguyễn Lánh