Thực hiện chỉ đạo của VKSND tối cao, từ ngày 15/4/2025, VKSND tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị và thực hiện tổng kiểm kê tài sản, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh trong ngành, nhằm phục vụ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo yêu cầu đặt ra.
Việc kiểm tra được triển khai theo Kế hoạch số 842/KH-VKS ngày 4/4/2025 của VKSND tỉnh Bình Định. Đồng chí Lê Trung Hưng, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định trực tiếp chủ trì đoàn kiểm tra tại các VKSND cấp huyện, cùng đại diện các phòng, ban chuyên môn của VKSND tỉnh phối hợp thực hiện.
    |
 |
Đồng chí Lê Trung Hưng, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định phát biểu trong buổi kiểm tra tại VKSND huyện Tây Sơn. |
Mục tiêu của đợt kiểm tra là đánh giá thực trạng, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời lập phương án xử lý phù hợp để bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác tổng kiểm kê theo chỉ đạo của VKSND tối cao.
Thông qua kiểm tra, các đơn vị sẽ rà soát lại toàn bộ tài sản hiện có, đối chiếu thực tế với hồ sơ quản lý, từ đó xác định giá trị sử dụng, hiện trạng pháp lý và khả năng khai thác. Việc kiểm kê cũng nhằm phục vụ công tác sáp nhập các đơn vị, bảo đảm số liệu tài sản, trang thiết bị, phương tiện được thống nhất, chính xác khi xây dựng phương án điều hành, tổ chức bộ máy mới.
Tại các buổi làm việc, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định đã quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Ngành về tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định tư tưởng cán bộ, công chức, người lao động, đồng thời định hướng rõ lộ trình, cách thức thực hiện, thời gian hoàn thành kiểm kê tài sản công. Đồng chí yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm đủ điều kiện về trụ sở, nhân sự, trang thiết bị phục vụ cho việc thành lập VKSND khu vực, kể từ ngày 1/7/2025 và VKSND cấp tỉnh mới, kể từ ngày 1/9/2025.
Đồng chí Lê Trung Hưng, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, trong thời điểm chuẩn bị sáp nhập, hơn lúc nào hết, các khâu công tác nghiệp vụ phải được giữ vững, tuyệt đối không lơ là. Đặc biệt là, việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi phải được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra sai sót, chậm trễ. Các đơn vị phải bám sát các chỉ tiêu nghiệp vụ, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, có người đồng bào và cách xa trung tâm, đồng chí Viện trưởng yêu cầu trước mắt vẫn phải duy trì tổ công tác từ 2 đến 3 Kiểm sát viên sơ cấp để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khám nghiệm hiện trường, bảo đảm hoạt động kiểm sát không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp.
    |
 |
Kiểm tra tại VKSND huyện Vĩnh Thạnh. |
Tại các đơn vị được kiểm tra, các Viện trưởng, cán bộ, đảng viên VKSND cấp huyện đã trao đổi thẳng thắn với đoàn công tác, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí trụ sở, nhân sự, tài sản công. Những nội dung này đã được đồng chí Viện trưởng tiếp thu, chỉ đạo các phòng chức năng của VKSND tỉnh hướng dẫn, phối hợp giải quyết kịp thời.
Kết quả kiểm kê tài sản, nhà, đất công tại các đơn vị được lập bảng kê cụ thể, có ký xác nhận và được công khai trong toàn ngành. Đây là cơ sở quan trọng để VKSND tỉnh Bình Định đề nghị VKSND tối cao và Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của Ngành và yêu cầu thực tiễn tại địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước và VKSND tối cao.