leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran. Ảnh: Doãn Tấn.

Tham dự có Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Iran, Ủy Ban đối ngoại Quốc hội Iran, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính trị và quan hệ Quốc tế, Bộ ngoại giao Iran và đông đảo các học giả, các nhà ngoại giao, các tổ chức đại diện nước ngoài tại Iran.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn.

Mở đầu bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng về lòng mến khách, sự hào phóng và tấm lòng nhân hậu của người dân Iran, với cảm xúc gần gũi mà nhà thơ Ba Tư vĩ đại Mau-la-na Ru-mi từng nói: “Tôi yêu mến bạn bằng cả tâm hồn mình, bởi tâm hồn không bao giờ ngừng nghỉ, chẳng bao giờ lãng quên”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cách đây hàng nghìn năm, nhiều thương nhân Xa-xa-nít, Ba Tư đã giao thương hàng hóa, lập thương điếm tại các cảng Việt Nam. Giờ đây, hai nước chỉ cách nhau gần 10 giờ đồng hồ bay để kết nối 2 “Thủ đô vì hòa bình”. Hai nước đều trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng điểm chung là tình yêu hòa bình. 

leftcenterrightdel
Tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Iran.

Chia sẻ với các nhà ngoại giao về những thành tựu đổi mới của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng qua thực tiến có 3 bài học chính. Trước hết, Việt Nam luôn kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với tinh thần lấy dân làm gốc, vì “Đẩy thuyền cũng là Dân, mà Lật thuyền cũng là Dân”. Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, luôn hành động theo quan điểm lấy "dân là gốc", lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu tối thượng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Việt Nam xây dựng “một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Nhà nước pháp quyền Việt Nam là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Quan trọng nữa là Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ và nền kinh tế đối tác.

Trong tổng thể chính sách đối ngoại Việt Nam, Trung Đông có một vị trí quan trọng và Iran là đối tác quan trọng. Việt Nam mong muốn xu thế hoà dịu, hợp tác ở khu vực tiếp tục được thúc đẩy, tạo môi trường ổn định cho các cơ hội hợp tác được nở rộ. Hợp tác của hai khu vực: Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông, là thành tố quan trọng vun đắp cho hòa bình và ổn định trên thế giới.

Để hướng tới một Tương lai Hòa bình và Phát triển với tầm nhìn 50 năm tới cho quan hệ giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước cùng chung tay củng cố 4 Kết nối, trong đó kết nối cơ chế đối thoại và hợp tác được đặt lên hàng đầu. Khi  hai nước coi nhau là đối tác quan trọng thì tin cậy chính trị là vốn quý, là cơ sở để hợp tác hai nước đơm hoa, kết trái. Theo Chủ tịch Quốc hội, kết nối số, khoa học công nghệ và giao thông vừa là hướng đi, vừa là giải pháp cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong tương lai. Về thương mại - đầu tư, hai nước cần tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ thâm nhập thị trường của nhau, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Và quan trọng nhất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước cần kết nối con người, coi bề dày và những nét tương đồng về văn hóa là tài sản quý để thúc đẩy các mối liên kết. Theo Chủ tịch Quốc hội, du lịch và giáo dục là hai cầu nối quan trọng, giúp cho tình hữu nghị của người dân và thế hệ trẻ hai nước ngày càng bền chặt.

Về du lịch, đây là lĩnh vực chúng ta có nhiều thế mạnh. Iran thật tự hào có 27 di sản thế giới đã được UNESCO công nhận. Việt Nam cũng có 8 di sản thế giới. Phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, là cách thức tuyệt vời nhất để kết nối người dân, đưa hai đất nước thêm xích lại gần nhau. Về giáo dục, nhiều sinh viên Việt Nam được nhận học bổng ngôn ngữ và văn hoá Ba Tư sau khi tốt nghiệp, minh chứng cho sự lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp về Iran. Hiện nay, ngôn ngữ và văn hóa Ba Tư đã được giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội mong rằng sẽ có các chương trình Việt Nam học được giảng dạy tại các trường đại học tại Iran. Hợp tác giáo dục sẽ vun đắp cho tương lai chung của hai nước.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự chương trình. Ảnh: Doãn Tấn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong 50 năm qua, vượt qua nhiều thách thức to lớn và những biến động khôn lường của lịch sử, các thế hệ đi trước đã không ngừng dày công vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt của hai nước đạt nhiều thành quả đáng tự hào. Thay cho lời kết thúc thân ái và để nói lên mong ước về hợp tác Việt Nam - Iran trong một thế giới hợp tác vì hòa bình và phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không lời nào có thể sánh bằng những vần thơ đầy sâu sắc và nhân văn của Đại thi hào Mau-la-na Ru-mi: “Hòa bình lan tỏa đất trời, Hân hoan chào đón, vàng mười là đây. Hồi sinh mầm sống từ nay, từng giây, từng phút, đẹp thay rạng ngời.”

Tại Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Bộ Tư pháp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch với Bộ Thể thao và Thanh Niên Iran; Bản ghi nhớ về kiểm dịch thực vật giữa Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nông thôn Việt Nam và Cục kiểm dịch thực vật Bộ Nông nghiệp Iran; Thoả thuận hợp tác giữa Cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam và cơ quan xúc tiến thương mại Iran cùng một số thoả thuận đáng chú ý khác.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực.

Cũng tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Chủ tịch Viện nghiên cứu chính trị và quan hệ Quốc tế. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Iran và trên cơ sở nền tảng hợp tác tốt đẹp trong 50 năm qua, hai nước có nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hợp tác. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ủng hộ và tạo điền kiện thuận lợi bằng những chính sách thiết thực để hai bên hoàn thành các mục tiêu hợp tác cụ thể đã đề ra trong tương lai…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự khai mạc và tham quan Triển lãm ảnh về quan hệ song phương Việt Nam - Iran ngay tại Phòng truyền thống của Viện nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế. Thông qua sách, ảnh, báo chí cho thấy, hai nước đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, nhiều Lãnh đạo hai đất nước đã thăm chính thức lẫn nhau./.

Theo Quochoi.vn