Vụ án kết thúc, có hai người mẹ cùng rơi nước mắt vì cái chết của những đứa con mình. Nước mắt mặn mòi của người mẹ tuổi 30 tiễn đứa con nhỏ xấu số của mình về nơi cuối trời. Nước mắt chua chát của người mẹ tuổi 60 tiễn biệt con mình vào chốn biệt giam, đối diện với bản án tử hình đã ấn định và khó lòng thay đổi. Nhưng bi kịch không dừng lại ở đó, bởi nó sẽ còn đeo đẳng một đứa trẻ bơ vơ, khi xung quanh nó, những người ruột thịt sẽ lần lượt ra đi.
 


GIÀ NUA VÀ THƠ DẠI

Cậu bé Long 4 tuổi, ngồi thu lu trong ngôi nhà tranh, vách đất. Em ăn những quả vải đầu mùa chua loét với niềm hân hoan của một đứa trẻ lâu rồi mới được quà.

Long ở với ông bà nội từ khi lọt lòng mẹ được vài tháng. Cậu bé lớn lên bằng nước cháo thay sữa. Ốm đau thì có thuốc lá, nặng hơn nữa thì bà nội lại đi… coi bói để chữa bệnh cho em.

Ông bà nội Long năm nay mới ngoài 60, nhưng vóc dáng héo hon cùng gương mặt hốc hác, chỉ có độc da bọc xương, khiến họ trông như ngoài 80. Ngoài Long, ông bà còn phải nuôi thêm một cô cháu gái khác, là con của người con cả của ông bà. Vợ mất, anh ta đã bỏ xứ đi biệt từ nhiều năm.

Ông Lục Văn Sến, bà Vi Thị Giáo, ông bà nội Long là người dân tộc Nùng, sống trên một ngọn đồi cheo leo, nằm xa trung tâm xã Minh Hòa, thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Họ sống hoàn toàn dựa vào nông nghiệp với mấy sào lúa và vài sào sắn. Cuộc sống đã trở nên khó khăn hơn khi sức của ông bà không còn như trước.

 

Cuộc sống nghèo khó cộng với những cú sốc tinh thần nặng nề dường như đã nhấn chìm chút sức lực gần như cạn kiệt của ông bà. Bà Giáo nói trong nước mắt: thằng Cường (con trai bà) cả đời có đánh ai bao giờ đâu, nay sao có thể nói giết người là giết ngay được... Bà Giáo đã không còn đủ nước mắt để khóc, kể từ ngày nhận được cái tin dữ ấy. Người ta xích tay Cường và đưa vào trại giam, trái tim bà cũng vỡ tan từ đó.

Hôm nay, khi bản án phúc thẩm tuyên án tử hình với Cường thì bà đã hoàn toàn sụp đổ. Hơi thở của bà vừa nặng nề vừa gấp gáp. Giọng nói của bà Giáo run run. Ánh mắt nhìn vô vọng. Cháu bà rồi sẽ ra sao… Ông bà biết sống được đến bao giờ, liệu có đủ nuôi nó lớn lên…?

MÂU THUẪN TỪ VIỆC ĐỔI MÀU TÓC

Lục Văn Cường kết hôn với chị Lăng Thị Thuận từ năm 2004 nhưng mãi đến 2007 mới sinh được cậu bé Lục Đức Long. Long chào đời đúng ngày mùng 1 tết Âm lịch năm Đinh Hợi.

Cuộc sống nghèo khó lại muộn con nên chị Thuận thường bỏ nhà đi làm thuê ở bên ngoài. Không tích cóp được bao nhiêu nhưng cảnh chân lấm tay bùn đã trở thành nỗi ám ảnh đối với chị. Có thai rồi sinh con, chị Thuận cũng không ở nhà được lâu. Cậu bé Long vừa lọt lòng mẹ vài tháng đã được giao lại cho ông bà nội.

Chị Thuận bỏ nhà lên phố làm, dẫu chồng và gia đình chồng không đồng ý. Những xung đột gia đình bắt đầu từ đó. Nói là đi phụ xây dựng nhưng khi về nhà, mái tóc chị Thuận không còn là màu đen như trước mà đã chuyển màu đỏ. Khi chồng hỏi, chị Thuận lại chống chế là do… “nấu bếp bị cháy tóc”.

Không kìm được lòng mình, Lục Văn Cường đã xô xát với vợ. Chị Thuận bỏ nhà đi luôn từ đó, để lại Cường gà trống nuôi con. Không có cách nào khác, Lục Văn Cường phải giao con lại cho bố mẹ đẻ, bản thân mình cũng đi phu hồ. Căn nhà đơn sơ nơi xóm nghèo cũng đành bỏ hoang.

HẬU QUẢ TỪ MỘT LỜI THÁCH ĐỐ

Khi nghe tin vợ về bên ngoại, Cường đưa con đến tìm vợ. Lần thứ nhất Cường đến, nhà không có ai, chỉ có người anh vợ đang làm vườn và hai đứa trẻ đang chơi bên gốc trám. Cường gọi anh Lăng Văn Vang để hỏi. Nhưng anh Vang cho biết Thuận không có ở nhà. Cường gọi điện thoại nhưng chị Thuận không nghe máy. Cường bực tức bỏ về.

Lần này, Cường không về nhà mà bỏ ra quán bia gần nhà để… giải nỗi ưu sầu. Anh ta uống liền một mạch hết hai chai bia, rồi mới về nhà tìm một con dao dắt sẵn trong người đi tìm vợ.

Lần thứ hai đến nhà ngoại, vẫn chỉ là hình ảnh người anh vợ đang làm vườn và hai đứa cháu nhỏ đang chơi dưới gốc trám. Cường mượn điện thoại của anh Vang để gọi, nhưng máy điện thoại của anh Vang hết tiền. Cường lấy máy của mình ra gọi. Cuối cùng thì chị Thuận đã nghe máy. Nhưng thay vì nói chuyện có đầu, có cuối, chị Thuận lại sẵng giọng: “Cường à, tao đã bảo không lấy mày nữa, mày gọi cho tao làm gì lắm thế…”. “Mày đã xác định bỏ tao thật chưa, nếu mày bỏ tao thật, tao sẽ giết người rồi đi tù - Cường vừa nói vừa cầm con dao chém liên tiếp vào gốc cây trám.  “Mày muốn đâm ai thì đâm, giết ai thì giết”… Kết thúc cuộc nói chuyện, sẵn rượu trong người, dao trong tay và sự cùng quẫn khi bị kích động, Cường đã chém luôn vào đầu cháu nhỏ, con anh Vang đang chơi gần đó. Cháu Lục Văn Minh con trai anh Vang đã chết ngay trên đường đi cấp cứu.

VĨ THANH BUỒN

Lục Văn Cường đã đi tìm lối thoát cho cuộc hôn nhân bế tắc của mình. Nhưng lối thoát mà anh ta lựa chọn đã đẩy anh ta đoạn tuyệt với cuộc đời này. Bản án phúc thẩm đã nâng hình phạt của bản án sơ thẩm từ chung thân lên tử hình. Vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cho rằng, Cường đã phạm tội giết người với hai tình tiết định khung tăng nặng là dùng thủ đoạn man rợ và không có hành vi khắc phục hậu quả, những tình tiết giảm nhẹ như: là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, bản thân chưa từng có tiền án tiền sự… đã không thể giúp giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bản án sơ thẩm tuyên Cường phải bồi thường cho gia đình anh Vang hơn 60 triệu đồng. Nhưng Cường vào tù rồi, bố mẹ già yếu, biết lấy tiền đâu để thi hành án? Gia đình bố mẹ Cường từ khi không chấp nhận cô con dâu mà họ cho là hư hỏng, đã không còn đi lại với gia đình thông gia. Nên khi chuyện xảy ra, họ càng tăng mối hận với cô con dâu đó. Bản thân họ cũng không đủ hiểu biết để nghĩ rằng, mình cần có một lời với gia đình bên đó, để mong được giảm nhẹ hình phạt cho con…

Một vụ án giết người, nhưng cả nạn nhân và người gây ra tội ác đều phải chết. Đó là một kết cục buồn và cũng là bài học cho rất nhiều người…

 

Diệu Anh

.