(BVPL) - Ngày 21/12/2015, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao. Tham dự Hội nghị có tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công chức VKSND cấp cao tại Hà Nội.

 

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.


Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng và đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã giới thiệu, quán triệt những nội dung cơ bản, quan trọng của Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao để triển khai thực hiện trong toàn đơn vị. Theo đó, với 5 chương và 51 điều, Quy chế tổ chức và hoạt động của VKSND cấp cao khẳng định, VKSND cấp cao là một cấp kiểm sát trong hệ thống VKSND. VKSND cấp cao là cấp dưới trực tiếp của VKSNDTC và là cấp trên của VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Viện kiểm sát cấp tỉnh) và VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (Viện kiểm sát cấp huyện) về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. VKSND cấp cao thực hiện chức năng được quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Nghị quyết số 82 ngày 24/11/2014 của Quốc hội và Nghị quyết số 953 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Quy chế nêu rõ, VKSND cấp cao thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Tòa án cấp tỉnh) có kháng cáo, kháng nghị; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (Tòa án cấp huyện) có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Kiểm sát bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, phát hiện những bản án và quyết định có vi phạm để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị phúc thẩm của VKSND cấp tỉnh khi xét thấy không có căn cứ. Tiếp nhận, thụ lý và giải quyết kiến nghị, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện theo quy định của pháp luật. Phát hiện những bản án và quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án cùng cấp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới, báo cáo đề xuất việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm với Viện trưởng VKSNDTC. Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm sát xét xử, VKSND cấp cao phát hiện, tổng hợp tình hình vi phạm, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để kiến nghị, yêu cầu khắc phục; hoặc xây dựng các đề tài, đề án, chuyên đề nghiệp vụ; thông báo rút kinh nghiệm, đề xuất với Viện trưởng VKSNDTC có biện pháp giải quyết. Thông qua công tác kiểm sát xét xử phát hiện, kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm, sơ hở trong công tác quản lý là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Ngoài ra, VKSND cấp cao còn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính của VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện trong giai đoạn xét xử, theo quy chế nghiệp vụ của Ngành; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSNDTC.
 

P.V

.