Nhận xét về tiểu thuyết “Miền sáng tối” của TS. Dương Thanh Biểu, Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Uyển cho rằng: Cái hay, cái hút người đọc; đọc rồi phải ngẫm ngợi trong mỗi chương, mỗi trang của “Miền sáng tối” là ở nghệ thuật chuyển tải, dẫn dắt sự vụ, vấn đề; là ở tình tiết, chi tiết; ở độ sâu sắc, chính xác, chuẩn mực quy chuẩn về tư pháp, nội chính mà tác giả là người trong cuộc, từng trải với cả trăm vụ án tương tự… Suốt khoảng 400 trang sách, không hề thấy trang, chương nào gượng gạo, đưa đẩy, lắp ghép mà là một dòng chảy tự nhiên xuyên suốt… Dương Thanh Biểu đã hóa thân rất tài, nhuần nhuyễn vào nhân vật, các loại nhân vật để lột tả nội tâm vui, buồn, khổ đau, uất hận; gian trá, thủ đoạn, đắng cay, tàn độc, nghẹt thở của họ. Mười hai chương của tiểu thuyết hệt như 12 câu chuyện, 12 lát cắt của vụ việc rất thật đã diễn ra, đang diễn ra. Tác giả sử dụng đa dạng bút pháp: Miêu tả, kể chuyện, tự thuật, đối thoại, hồi tưởng, suy ngẫm, bình luận… Cái thật là ở chỗ, tác giả không chen lời bình, bàn của mình mà tất cả để nhân vật tự bộc lộ.
Cũng theo Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Uyển thì vấn đề pháp lý và văn chương có sự khác nhau tương đối nhưng với bút pháp của TS. Dương Thanh Biểu, “Miền sáng tối” đã kết hợp được hai lĩnh vực đó. Cho nên, tuy viết về vụ án, về kiểm tra, điều tra, về tư pháp, nội chính, nội vụ… nhưng vẫn có sức cuốn hút, sâu sắc và thấm đẫm chất nhân văn. Ngòi bút của người trong cuộc, từng trải muôn vàn gian nan, nghiệt ngã của cuộc đời, của nghề Kiểm sát; biết nghe, biết chia sẻ; nhân văn và biết cách truyền cảm… mới viết được như thế. “Một cuốn tiểu thuyết chuyên sâu về “Lẽ phải & công lý” - đáng là hồng phúc của con người” - Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Uyển khẳng định.
|