(BVPL) - Được Quốc hội giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) (sửa đổi), VKSNDTC đã ban hành kế hoạch, yêu cầu các địa phương và các Bộ, Ngành liên quan triển khai việc thực hiện tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 một cách toàn diện và chất lượng. Liên quan đến việc thi hành Bộ luật TTHS 2003, kết quả tổng kết đã chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện Bộ luật này.   

 

 

Những chuyển biến tích cực

Đánh giá tình hình thực hiện Bộ luật TTHS 2003 cho thấy, nhìn chung, công tác thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 thời gian qua được thực hiện nghiêm túc. Quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật đã góp phần tích cực vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; nêu cao trách nhiệm, tính chủ động của cơ quan và của người tiến hành tố tụng (THTT); nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Hoạt động bào chữa, giám định và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam được tiến hành thận trọng, khắc phục một bước quan trọng việc lạm dụng bắt khẩn cấp, tạm giam không cần thiết, tỷ lệ bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ cao; việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng được chú trọng; bảo đảm quyền có người bào chữa của những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia tố tụng; các luật sư tham gia bào chữa cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc thực hiện thời hạn giải quyết án và thời hạn tạm giữ, tạm giam trong các giai đoạn tố tụng cơ bản được thực hiện nghiêm túc, hạn chế tối đa số vụ án quá thời hạn; tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam được khắc phục; tình trạng tồn đọng án trong các giai đoạn tố tụng về cơ bản đã được giải quyết. Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được tăng cường; số vụ án được khởi tố, điều tra năm sau cao hơn năm trước, chất lượng được nâng lên; sự phối hợp giữa điều tra trinh sát và điều tra tố tụng đã góp phần nâng cao chất lượng điều tra nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; công tác điều tra, thu thập chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án được thực hiện tích cực, đầy đủ; số lượng vụ án bị hủy vì lý do chứng cứ ngày càng giảm; kết quả giám định nhìn chung rõ ràng, đầy đủ, góp phần giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra được chú trọng, VKS các cấp đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra ngay từ đầu, chủ động đề ra yêu cầu điều tra đối với nhiều vụ án, bảo đảm việc điều tra có căn cứ, đúng pháp luật; số vụ kết thúc điều tra chuyển VKS truy tố, số vụ án truy tố chuyển Tòa án để xét xử đạt tỷ lệ cao; việc đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án nhìn chung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; tình trạng bỏ lọt tội phạm do đình chỉ điều tra đã dần được khắc phục; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm mạnh; số vụ án trả để điều tra bổ sung vì những lý do không xác đáng, trả đi trả lại nhiều lần được hạn chế tối đa; chất lượng công tác truy tố tội phạm được đảm bảo, từng bước được nâng cao, số bị can VKS truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội ngày càng giảm, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, hạn chế tối đa số vụ án Tòa án xét xử khác tội danh và điều, khoản mà VKS đã truy tố.

Công tác xét xử các vụ án hình sự cơ bản được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, chất lượng ngày càng cao; các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tăng cường phối hợp tổ chức “phiên tòa mẫu” theo tinh thần cải cách tư pháp để rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa; các KSV và Luật sư đã đạt được sự phát triển một bước về văn hóa tranh tụng, ngôn từ được sử dụng chặt chẽ, đúng mức, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau với mục đích nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan; các tình tiết của vụ án được kiểm tra, xem xét kỹ càng, toàn diện, phiên tòa diễn ra, dân chủ và bình đẳng hơn... Do có sự chuẩn bị trước cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và sự hỗ trợ đắc lực của Cơ quan THTT cấp trên, hầu hết các cơ quan tư pháp cấp huyện được tăng thẩm quyền mới theo Điều 170 Bộ luật TTHS đều đảm trách tương đối tốt nhiệm vụ được giao. Số vụ án do VKS kháng nghị phúc thẩm ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng; công tác giám đốc việc xét xử được tăng cường, kịp thời phát hiện, rút kinh nghiệm những sai sót trong việc xét xử; các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đã giảm hơn so với những năm trước đây, kháng nghị của VKS cơ bản có căn cứ, chất lượng kháng nghị được nâng lên. Công tác thi hành án hình sự có nhiều tiến bộ, hạn chế trường hợp để quá hạn luật định; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù có căn cứ, thường xuyên rà soát những người đã có quyết định thi hành phạt tù hiện còn tại ngoại chưa bị bắt để đưa đi thi hành án; công tác xem xét và trình Chủ tịch Nước xem xét đối với người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm được tiến hành khẩn trương, đúng quy định của pháp luật. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chuyển biến tích cực; việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư, kiểm sát giải quyết đơn thư về cơ bản đảm  bảo chặt chẽ, đúng thời hạn, thẩm quyền; hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, bức xúc hoặc khiếu kiện vượt cấp.

Những hạn chế

Cùng với những ưu điểm trên, việc thực hiện Bộ luật TTHS 2003 còn có những hạn chế như: Tỷ lệ bị bắt, tạm giữ không đủ căn cứ khởi tố hình sự tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; việc áp dụng biện pháp tạm giam còn có biểu hiện lạm dụng, nhất là các tội ít nghiêm trọng, không kịp thời thay đổi biện pháp tạm giam khi không còn cần thiết; để xảy ra một số trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam mà không kịp thời có lệnh tạm giam hoặc gia hạn tạm giam; các biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm ít được áp dụng, kém phát huy hiệu quả trong thực tiễn tố tụng. Việc giải quyết một số vụ án còn để kéo dài, nhất là đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng lớn do các cơ quan tư pháp Trung ương thụ lý giải quyết; còn vi phạm thời hạn, nhất là trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thời hạn xét xử; còn tình trạng chậm gửi các bản án, quyết định theo quy định; chậm trễ trong việc giải quyết các yêu cầu, đề nghị của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa; một số vụ án gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn tạm giam nhưng không cần thiết. Công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra và VKS trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ, hiệu quả; tỷ lệ khám phá tội phạm của các địa phương trên toàn quốc nhìn chung chưa cao; còn có tình trạng không thụ lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm đã được tiếp nhận để nâng cao tỷ lệ giải quyết, lựa chọn vụ án đã rõ đối tượng để khởi tố, né tránh không khởi tố vụ án ít có khả năng xác định được người thực hiện tội phạm dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và làm cho công tác thống kê, đánh giá về tình hình tội phạm chưa chuẩn xác. Công tác điều tra, phát hiện tội phạm vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót và vi phạm; còn để xảy ra tình trạng các Điều tra viên mớm cung, bức cung, nhục hình đối với bị can, làm cho việc điều tra thiếu khách quan và không đầy đủ; việc điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ ở một số địa phương nhất là cấp huyện chưa đầy đủ, kịp thời, dẫn đến vật chứng bị mất, hư hỏng không thể phục hồi hoặc tình trạng thu giữ tràn lan những vật không liên quan đến vụ án… Việc đảm bảo quyền của người tham gia tố tụng vẫn còn một số hạn chế; việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa còn chưa kịp thời; sự tham gia tố tụng của người bào chữa trong một số vụ án còn gặp khó khăn, nhất là việc tiếp cận hồ sơ, tiếp xúc với bị can, bị cáo đang bị tạm giam; chất lượng bào chữa nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác giám định tư pháp còn bất cập, vướng mắc như không ra quyết định trưng cầu kịp thời, nội dung của quyết định trưng cầu chưa đầy đủ, chi tiết… ; một số cơ quan được trưng cầu giám định từ chối, né tránh, thời gian giám định còn dài, nhiều kết luận giám định chưa rõ ràng, chính xác; nhiều lĩnh vực chuyên môn chưa có cơ quan giám định chuyên trách và người giám định thuộc chuyên môn khiến các cơ quan tố tụng lúng túng trong việc trưng cầu giám định. Việc đình chỉ điều tra vụ án, bị can do không phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm vẫn còn xảy ra; việc áp dụng khoản 1 Điều 25 của Bộ luật Hình sự để đình chỉ điều tra đối với bị can có trường hợp chưa chính xác, có biểu hiện lạm dụng; việc tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án chiếm tỷ lệ không nhỏ, số đối tượng truy nã chưa bắt được còn nhiều… Tỷ lệ các vụ án VKS trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao; vẫn còn một số ít trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung không có căn cứ dẫn đến việc VKS chuyển lại ngay đến Tòa án. Chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa còn hạn chế, một số phiên tòa việc tranh luận còn mang tính hình thức, chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân còn hạn chế…; Vẫn còn những trường hợp xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, triệu tập không đầy đủ những người liên quan tham gia phiên tòa, dẫn đến sai lầm trong việc áp dụng pháp luật nội dung; tỷ lệ bản án, quyết định hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy, sửa còn cao… Một số VKS chưa đề cao trách nhiệm, còn ít kháng nghị trong khi số án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa, hủy do kháng cáo chiếm tỷ lệ cao; một số kháng nghị thiếu căn cứ thuyết phục; công tác giải quyết đơn khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thi hành án tử hình thực hiện chưa kịp thời do chưa bảo đảm đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thi hành án; việc giám sát đối tượng ngoài xã hội chưa hiệu quả; tỷ lệ thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án hình sự tồn đọng cao. Việc áp dụng thủ tục rút gọn chưa được chú trọng; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp còn có những điểm hạn chế; công tác hợp tác quốc tế trong giải quyết các vụ án hình sự hiệu quả chưa cao; nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài giải quyết chưa thỏa đáng và dứt điểm; việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp từ phía nước ngoài trong một số trường hợp còn kéo dài.
 

B.B.T

.