Tiếp theo Hội nghị tập huấn công tác tương trợ tư pháp hình sự (TTTPHS) trong ngành KSND năm 2013 cho VKSND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, vừa qua, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị tập huấn công tác tương trợ tư pháp hình sự cho VKSND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì và chỉ đạo hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe trình bày tổng quan một số vấn đề cơ bản liên quan đến công tác TTTPHS (gồm 7 nhóm vấn đề); nghe trình bày và hướng dẫn việc ghi chép các biểu mẫu chung trong công tác yêu cầu TTTPHS và các ý kiến phát biểu tham luận của 6 đơn vị là Vụ 1C, Vụ 2 - VKSNDTC, VKSND TP.HCM, VKSND các tỉnh: An Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế; nghe các ý kiến đóng góp của đại diện một số cơ quan: Interpol Việt Nam, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp. Đa số các ý kiến đóng góp đều thống nhất và đồng tình cao với nội dung trong bộ tài liệu tập huấn công tác TTTPHS do Vụ HTQT&TTTPHS – VKSNDTC biên soạn và trình bày về: Cơ sở pháp lý; Nguyên tắc thực hiện; Phạm vi áp dụng; Hồ sơ ủy thác tư pháp; Điều kiện từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu TTTP; Thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu TTTPHS theo quy định của Luật TTTP; Quy trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu TTTPHS trong ngành KSND.
Kể từ khi Luật TTTP có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2008), số lượng các yêu cầu TTTPHS của nước ngoài gửi đến Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, các hồ sơ yêu cầu TTTP của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trực tiếp gửi hoặc thông qua kênh ngoại giao chuyển đến đề nghị trợ giúp TTTP theo Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký với các nước hoặc dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Các yêu cầu TTTPHS ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm nghiêm trọng như: giết người, buôn bán ma túy, tội phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền…
Đánh giá chung về kết quả phối hợp và thực hiện yêu cầu TTTP trong những năm gần đây cho thấy, do có sự đổi mới về quy trình tiếp nhận và chuyển giao các yêu cầu TTTPHS nên thời gian gần đây, việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ yêu cầu TTTP của VKSNDTC được triển khai có hiệu quả, nhiều hồ sơ đã được giải quyết nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền. Đối với những yêu cầu TTTP có nội dung phức tạp như cam kết không áp dụng án tử hình, các yêu cầu TTTP liên quan đến viên chức ngoại giao… VKSNDTC đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và với quốc gia có yêu cầu, để thực hiện yêu cầu TTTP một cách nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, VKSNDTC đã tích cực chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền thực hiện yêu cầu tương trợ, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội nghị. Qua các ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, Ban, Ngành và phát biểu của đại diện các VKS địa phương về những nội dung mà Hội nghị đưa ra, các ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với các tài liệu báo cáo do lãnh đạo Vụ HTQT & TTTPHS trình bày.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng cho biết, với sáng kiến của cơ quan đầu mối VKSNDTC trong việc xây dựng Hiệp định mẫu và đã xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, đến nay đã được Văn phòng Chủ tịch nước và Chính phủ đồng ý Hiệp định mẫu này, trên cơ sở lấy đó làm gốc để chúng ta gửi đến các nước trong việc đàm phán ký kết những Hiệp định song phương và đa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem các nước mà chúng ta đã ký Hiệp định, hiện nay là khối Đông Âu, rà soát xem có vấn đề gì còn chưa hợp lý thì cần sửa đổi cho phù hợp. Trong việc ký kết các Điều ước TTTPHS, đề nghị phải có sự phối hợp giữa các cơ quan là chủ thể, ví dụ như trong Luật TTTP thì Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối về TTTP dân sự, Bộ Công an là cơ quan đầu mối về vấn đề chế độ và chuyển giao thi hành án phạt tù và VKSNDTC là cơ quan đầu mối về TTTPHS…
Phi Sơn - Mạnh Thường