(BVPL) - Chiều ngày 08/6/2017 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên (Phòng 9) và trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng.
|
Đồng chí Vũ Đăng Khoa, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Thủ trưởng cơ quan điều tra phát biểu tại buổi Lễ |
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Viện KSND tối cao, tham dự và trao các quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao có đồng chí Vũ Đăng Khoa- Kiểm sát viên VKSND tối cao, Thủ trưởng cơ quan điều tra; đồng chí Nguyễn Văn Minh- Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ VKSND tối cao, cùng đông đảo lãnh đạo, Kiểm sát viên các đơn vị VKSND các tỉnh Tây Nguyên, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh, các cán bộ, KSV cơ quan điều tra Viện KSND tối cao. Về phía địa phương, có đồng chí Lê Văn Nghĩa- Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk tham dự buổi lễ.
|
Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSND tối cao trao quyết định và tặng hoa lãnh đạo Phòng 9 |
Thay mặt Vụ tổ chức cán bộ Viện KSND tối cao, đồng chí Nguyễn Văn Minh- Phó Vụ trưởng đã công bố quyết định số 47/QĐ-VKSTC ngày 18/4/2017 của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập 03 phòng nghiệp vụ điều tra tội phạm thuộc CQĐT VKSNDTC. Trong đó, Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên (Phòng 9) gồm 5 tỉnh, đó là: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trụ sở Phòng 9 đặt tỉnh Đắk Lắk, trực thuộc Đại diện thường trực Cơ quan điều tra tại các tỉnh Miền Trung- Tây Nguyên. Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu công chức của các phòng nghiệp vụ điều tra tội phạm.
|
Ông Lê Văn Nghĩa, UVBTV, Trưởng ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk tặng hoa chúc mừng tập thể lãnh đạo Phòng 9 |
Đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ VKSNDTC cũng đã công bố các quyết định ngày 31/5/2017 của Viện trưởng VKSNDTC về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp phòng thuộc CQĐT VKSNDTC. Theo đó, đã điều động và bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Hữu Thức, KSV trung cấp, Trưởng phòng quản trị Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh đến công tác và giữ chức vụ Trưởng phòng 9; điều động và bổ nhiệm ông Trần Danh Huế, KSV Trung cấp, Chánh văn phòng VKSND tỉnh Đắk Nông đến công tác và giữ chức vụ Phó trưởng phòng 9. Thời hạn bổ nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo phòng 9 là 5 năm kể từ ngày 15/6/2017.
|
Công bố quyết định bổ nhiệm và tăng hoa chúc mừng Phó phòng 10 và Phó phòng 4 cơ quan điều tra VKSND tối cao |
Cũng tại buỗi lễ, Vụ tổ chức cán bộ đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Võ Phúc Dương, Điều tra viên cao cấp, giữ chức vụ Phó trưởng phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ (Phòng 10); bổ nhiệm đồng chí Lê Quang Hiệp, Điều tra viên trung cấp, giữ chức vụ Phó trưởng phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Miền Trung- Tây Nguyên (phòng 4). Thời hạn bổ nhiệm đối với đồng chí Dương và Hiệp là 5 năm, kể từ ngày 15/6/2017.
Nhân dịp này, Đảng ủy cơ quan điều tra thuộc Đảng bộ VKSND tối cao cũng đã công bố quyết định thành lập Chi bộ phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên (Chi bộ phòng 9), gồm 10 Đảng viên, trong đó BCH Chi bộ có 3 đồng chí: Nguyễn Công Lệ, Nguyễn Hữu Thức và Trần Danh Huế. Đảng ủy cơ quan điều tra đã chỉ định đồng chí Nguyễn Công Lệ giữ chức vụ Bí thư, đồng chí Nguyễn Hữu Thức giữ chức vụ Phó Bí thư, nhiệm kỳ 2015-2017.
|
Tân trưởng Phòng 9 Nguyễn Hữu Thức phát biểu nhận nhiệm vụ |
Thay mặt lãnh đạo Viện KSND tối cao, đồng chí Vũ Đăng Khoa- Kiểm sát viên VKSND tối cao, Thủ trưởng cơ quan điều tra đã trao quyết định và chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm vào các vị trí, chức vụ hiện hành, nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo Viện KSND tối cao. Đồng chí Khoa cũng có những nhận định sâu sắc, sát thực về vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của Tây Nguyên, cũng như tình hình vi phạm, tội phạm nói chung, và vi phạm, tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Đồng chí nhấn mạnh, Tây Nguyên chỉ có 5 tỉnh, nhưng diện tích rất rộng, quảng đường đi lại xa, khó khăn, nên nhiều vụ việc vi phạm chưa được phát hiện để phòng ngừa và điều tra xử lý kịp thời… Đặc biệt thời gian tới, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSND tối cao được tăng thêm và mở rộng rất nhiều, do đó việc thành lập Phòng 9 tại Tây Nguyên là thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Nhất là theo các quy định mới, cơ quan điều tra VKSND tối cao tiến hành điều tra toàn bộ 24 tội danh thuộc chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, 14 tội danh thuộc chương các tội phạm về tham nhũng, chức vụ nếu tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp. Về chủ thể thực hiện tội phạm, không chỉ là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, VKS, cơ quan THA các cấp mà còn là cán bộ của hơn 11 nghìn công an xã, phường, thị trấn, đồn công an nếu có vi phạm pháp luật; người được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; người được giao nhiệm vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; tiếp nhận, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định về thi hành án hình sự; người có thẩm quyền quản lý, bảo quản vật chứng, tài sản bị niêm phong, bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Ngoài ra, còn có người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật, người phiên dịch, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng, thi hành án.
|
Rất đông lãnh đạo các đơn vị, VKS địa phương, Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về tham dự buổi Lễ |
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lãnh đạo cơ quan điều tra VKSND tối cao, lãnh đạo Phòng 9 |
Về phạm vi và địa bàn điều tra, Thủ trưởng cơ quan điều tra VKSND tối cao cho biết “nếu như trước đây thường chỉ thực hiện đến cấp huyện, thì nay theo quy định mới được mở rộng đến cấp xã, phường”.
Bùi Tiến