(BVPL) - Sáng ngày 29/9/2016 tại trụ sở cơ quan, VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức VKSND, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật giai đoạn 2017 - 2021”. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND, Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu Đề án chủ trì cuộc họp.
|
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND, Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu Đề án phát biểu tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Như Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, Chủ nhiệm Đề án đã trình bày thuyết minh về Đề án. Theo đó, về nội dung, Đề án được xây dựng kết cấu thành 6 mục gồm: sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; mục tiêu xây dựng Đề án; nhiệm vụ và giải pháp; kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện; hiệu quả của Đề án. Ngoài ra, phần Kỷ yếu của Đề án bao gồm 6 chuyên đề vệ tinh. Đối với sự cần thiết xây dựng Đề án, báo cáo thuyết minh khẳng định, từ đòi hỏi thực tiễn, với đặc thù tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật “thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” được quy định tại Điều 39 Luật tổ chức VKSND, yêu cầu đặt ra cho Viện kiểm sát là không chỉ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho toàn thể cán bộ trong và ngoài ngành mà còn cho các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ Viện Kiểm sát. Về mục tiêu, Đề án nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức trong, ngoài ngành Kiểm sát và các tầng lớp nhân dân về quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát, về thực hiện cải cách tư pháp, hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Đề án đã đề cập đến 8 nhiệm vụ, trọng tâm là nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng và hệ thống cơ quan VKSND các cấp về chức năng, nhiệm vụ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục hoàn thiện thể chế về tổ chức và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của toàn Ngành; tổ chức phổ biến rộng rãi, đầy đủ, kịp thời tới nhân dân về các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật mới, nhất là về phòng, chống tội phạm, về hoạt động tư pháp, về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; đổi mới, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường mối quan hệ với các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện ... Ngoài ra, Đề án cũng đề cập đến 6 giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ như: Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND định hướng nội dung và chỉ đạo toàn ngành tổ chức thực hiện; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và hợp tác quốc tế; tăng cường kinh phí và các điều kiện thực hiện...
Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND, Chủ tịch Hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu Đề án, các ý kiến của các thành viên Hội đồng đã phát biểu đóng góp đối với nhiều nội dung liên quan đến Đề án. Kết quả, sau khi thảo luận, Hội đồng đã thống nhất thông qua Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định Luật Tổ chức VKSND, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật giai đoạn 2017 - 2021”. Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Đề án tiếp thu những ý kiến góp ý tại cuộc họp để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đắc Thái