Tăng cường tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý trong ngành KSND
Cập nhật lúc 17:34, Thứ hai, 20/08/2012 (GMT+7)
Vừa qua, tại Vĩnh Phúc, hội thảo về vấn đề bình đẳng giới trong ngành KSND đã được tổ chức. Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND dự và chủ trì hội thảo.
|
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Phàn nhấn mạnh: Bảo đảm bình đẳng giới là một nội dung quan trọng của chiến lược phát triển cán bộ ngành KSND. Ngày 29/9/2011, VKSNDTC đã ban hành kế hoạch hoạt động về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015 của ngành Kiểm sát. Mục tiêu của kế hoạch đề ra là: Nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cán bộ nữ; tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ, tạo cho cán bộ nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực hoạt động của ngành KSND, góp phần vào sự phát triển của ngành Kiểm sát và của đất nước. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND được thành lập, có chức năng tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC các vấn đề về chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ toàn ngành Kiểm sát và ở cơ quan VKSNDTC.
Tiến sĩ Trần Công Phàn cũng nhấn mạnh, mục đích của hội thảo này là để trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới trong ngành KSND.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND, Phó Vụ trưởng Vụ 9, VKSNDTC trình bày tham luận “Một số kết quả hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua”. Theo đó, tính đến tháng 5/2012, toàn Ngành có 331 cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở VKSND các cấp; có 328 đồng chí là lãnh đạo cấp phòng... Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành Kiểm sát giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhất là các chức vụ lãnh đạo chủ chốt hiện nay còn rất khiêm tốn; số cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch dự nguồn các chức vụ lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ thấp (dưới 20%).
Hội nghị cũng nghe các thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND và các chuyên gia bình đẳng giới giới thiệu về Luật Bình đẳng giới và việc thực hiện Luật này trong ngành Kiểm sát; về “Kế hoạch hành động về bình đẳng giới ngành Kiểm sát giai đoạn 2011- 2015”; khung pháp luật quốc tế về bình đẳng giới; “Bình đẳng giới tiếp cận từ góc độ kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND”...
Tin và ảnh: Việt Hà
.