Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin gửi tới các nhà báo trong ngành Kiểm sát nhân dân lời chúc sức khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động báo chí của mình.

Tôi xin có đôi dòng viết về những người đã hoạt động báo chí lâu năm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Với các bác, các anh; những nhà báo Kiểm sát lâu năm có một đặc điểm chung là đều xuất phát điểm từ những cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí chuyên ngành.

Ngày 26/2/1961, sau khi Viện kiểm sát nhân dân ra đời được 7 tháng, ấn phẩm báo chí đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân được ấn hành, xuất bản và phát hành trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Đó  là cuốn “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Hiện tại, ngành Kiểm sát nhân dân đã có Tạp chí Kiểm sát ấn hành mỗi tháng 2 số, Tạp chí Kiểm sát online, báo Bảo vệ pháp luật in mỗi tuần 2 kỳ, báo Bảo vệ pháp luật cuối tuần, báo Bảo vệ pháp luật chuyên đề, báo Bảo vệ pháp luật online, trang Thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bản Thông tin Khoa học của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trang thông tin điện tử của Trường Đại học Kiểm sát và hàng chục trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để có những phương tiện báo chí, truyền thông đa dạng và hoạt động thường xuyên như vậy, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao qua các thời kỳ, phải kể đến công sức của những người gắn bó lâu năm với hoạt động báo chí của Ngành.

Trước hết phải nói đến Nhà báo Nguyễn Văn Khuê, ông là nhà báo giữ chức vụ quản lý cơ quan báo chí đầu tiên của Ngành. Từ tháng 2 năm 1961 đến năm 1980, ông là Trưởng phòng Tập san - Tuyên truyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời trực tiếp chỉ đạo làm ấn phẩm báo chí đầu tiên của Ngành là “Tập trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát”. Nhà báo Nguyễn Văn Khuê tâm sự: “Thời kỳ mới ra, tờ báo của Ngành gặp rất nhiều khó khăn. Viết thế nào cho sát với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong khi bài vở của cộng tác viên rất ít là một vấn đề lớn đặt ra cho cán bộ Tòa soạn. Hầu như các bài viết đều do anh chị em trong Tòa soạn chuẩn bị. Thời kỳ Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, hoạt động của Tòa soạn rất vất vả. Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao sơ tán về Thanh Oai (Hà Tây), các nhà in cũng đi sơ tán tại Việt Bắc nên anh chị em trong Tòa soạn lại “lần mò” tới các tỉnh lân cận để tìm nhà in, đến nơi sơ tán của các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để lấy tin cho những số báo in đúng kỳ hạn, mặc cho máy bay Mỹ bắn phá”.

Nhà báo Nguyễn Thạch Giản với bút danh Thạch Giản đã làm việc ở Tạp chí Kiểm sát từ năm 1964 đến năm 1989. Từ năm 1981 đến năm 1989, ông là Trưởng phòng Tập san - Tuyên truyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ông cũng là người đưa lên Nội san Công tác Kiểm sát nhiều bài thông tin khoa học nghiệp vụ nhất. Nhà báo Thạch Giản là người theo học ở Liên Xô trở về từ những năm sáu mươi. Ông nói: “Khi đó, chúng tôi làm báo rất thủ công, viết tay, biên tập, sửa bài bằng bút mực, in báo bằng phương pháp in rônêô (đến năm 1964 mới chuyển sang in ốpsét) để phát không cho các đơn vị trong Ngành. Cán bộ Tòa soạn viết bài không có nhuận bút, còn cộng tác viên ở các Viện kiểm sát địa phương có bài in thì nhuận bút do Phòng Tài vụ cơ quan Viện kiểm sát tối cao trả qua bưu điện theo danh sách đề nghị của Tòa soạn”. Nhà báo Thạch Giản cho biết, quan hệ hợp tác in ấn của Tạp chí Kiểm sát với nhà in Công đoàn và báo Lao động đã có từ năm 1964 và vẫn duy trì tới hôm nay. Chính Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Quốc Việt là người chắp nối cho mối quan hệ này. Từ năm 1983, Tạp chí Kiểm sát đã có mối quan hệ hợp tác trao đổi thông tin khoa học với Tạp chí Pháp chế Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô.

Cùng với Nhà báo Thạch Giản, Nhà báo Nguyễn Đình Quế cũng là người có “duyên nghiệp” với nghề báo của Ngành. Từ tháng 4/1973 đến tháng 4/1975, ông làm việc ở Nội san Công tác Kiểm sát. Từ tháng 11/1986 đến tháng 7/1997, ông làm việc ở Tạp chí Kiểm sát và ông đã có 3 năm làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí này (1994-1997). Ông có 2 bài thơ viết về nghiệp làm báo của mình, đó là bài “Từ bàn tay anh” và bài “Cây đời còn xanh”. Trong bài “Từ bàn tay anh”, ông viết:

“Đã một thời mòn tay
Từ bàn tay anh rất nhiều khôn kể
Thời gian trải qua dâu bể
Thương bao thế hệ “sắp”, rồi “sửa”, “bỏ”.


Qua thơ ông, chúng tôi biết làm báo lúc công nghệ thông tin chưa phát triển thì vất vả như vậy đấy; nhưng ông và các đồng nghiệp vẫn vui, vẫn hăng say nhiệt huyết.

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát hiện nay - Nhà báo Trần Văn Nam là người có thâm niên làm báo lâu nhất trong Ngành. Nhà báo Trần Văn Nam liên tục công tác tại Tạp chí Kiểm sát từ tháng 7 năm 1975 đến nay. 38 năm làm báo Ngành, trong đó có 11 năm làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, đã để lại cho ông rất nhiều trải nghiệm. Với Nhà báo Trần Văn Nam thì bất cứ công việc nào của Tòa soạn ông cũng đã từng trải qua. Từ công tác văn thư, hành chính, công tác trị sự và công tác biên tập, ông đều đã đảm nhiệm. Nhà báo Trần Văn Nam tâm sự: Thú vị nhất trong gần 40 năm làm báo của ông là những năm ở trong Tòa soạn của Tạp chí Kiểm sát. Ông đã cùng các cộng sự trải qua những khó khăn, thử thách để đưa Tòa soạn đi vào ổn định và ngày càng phát triển.

Cũng như Nhà báo Nguyễn Đình Quế, Nhà báo Phạm Huỳnh Công cũng là người có 2 lần làm việc ở Tạp chí Kiểm sát. Từ tháng 3/1977 đến tháng 2/1990, ông làm việc ở Nội san Công tác Kiểm sát và từ tháng 6/1997 đến tháng 8/1998, ông là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát. 15 làm báo Ngành đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc. Sau này, khi chuyển công tác sang làm Chánh Thanh tra Tổng Cục Du lịch, ông vẫn nhớ những kỷ niệm của một thời “bám sát, biểu dương điển hình trong Ngành” của những năm bảy mươi, hay khi bất đắc dĩ làm “ký giả” của những lần tham gia Đoàn công tác cải tạo công thương nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng (1978) và giai đoạn “vẫy vùng trong cơ chế” của thời mở cửa, đổi mới. Nhà báo Phạm Huỳnh Công tâm sự: Vì quá say mê và nóng lòng muốn đưa tờ Nội san thành Tập san, nên trong một ấn phẩm, ông đã không đề Nội san Công tác Kiểm sát như các số trước mà tự động đổi thành Tập san Công tác Kiểm sát nên đã bị “tuýt còi”. Chính sự “vượt rào” ấy đã trở thành ý tưởng để ông đề xuất và lại được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao lúc đó cho nâng tờ Nội san Công tác Kiểm sát thành Tập san Công tác Kiểm sát.

Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật hiện nay - Nhà báo Phạm Xuân Chiến làm báo Ngành liên tục từ tháng 6 năm 1982 đến nay. 31 năm qua, ông đã trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Biên tập - Tuyên truyền, rồi Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, Phó Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật và hiện đang giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật. Nhà báo Phạm Xuân Chiến cho biết: Từ khi ra đời (24/12/2002) đến nay, báo Bảo vệ pháp luật đã xuất bản được hơn 1.000 số báo tuần (hàng năm có 05 số đặc biệt kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân), gần 150 số chuyên đề cuối tháng và gần 300 số cuối tuần. Trong suốt chặng đường phát triển, báo Bảo vệ pháp luật đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân, vì dân; giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng cường hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới...; đồng thời, góp phần quan trọng để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp.

Nhà báo Lại Hợp Việt là người giữ chức vụ Tổng Biên tập lâu nhất trong cơ quan báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân. Ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát từ tháng 8/1998 đến tháng 8/2008. Theo ông, Tạp chí Kiểm sát là diễn đàn thông tin khoa học nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân, do vậy, Tạp chí Kiểm sát “phải đem đến cho bạn đọc những gì Ngành cần chứ không phải là những gì mà Toà soạn hiện có”. Chính vì vậy, với cương vị Tổng Biên tập, ông đã yêu cầu các Biên tập viên, Phóng viên phải tích cực thâm nhập thực tiễn; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị, của các cộng tác viên và bạn đọc; định kỳ tổ chức khảo sát, thăm dò ý kiến nhận xét về nội dung và hình thức của tạp chí để chuẩn bị bài vở cho phù hợp, đảm bảo phục vụ thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn công tác của các đơn vị và bạn đọc. Trong 10 năm làm Tổng Biên tập, ông đã có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để đưa Tạp chí Kiểm sát trở thành tạp chí hàng đầu trong khối Nội chính. Nhà báo Lại Hợp Việt cũng là người say mê sưu tầm và lưu trữ tư liệu về ngành Kiểm sát nhân dân. Ông tâm sự: “Làm báo thì phải có tư liệu và hình ảnh để có thể luôn chủ động. Có tư liệu và hình ảnh dùng ngay, song cũng có tư liệu và hình ảnh có thể dùng cho sau này. Do vậy phải sưu tầm và lưu trữ trước hết là cho Tòa soạn và sau là cho chung toàn Ngành”. Nhà báo Lại Hợp Việt cũng là người luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Biên tập viên, Phóng viên, nhân viên của Toà soạn về mọi mặt. Ông luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc, phân công, bố trí sắp xếp một cách hợp lý theo hướng chuyên sâu và ổn định, giúp cho các Biên tập viên có điều kiện tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nhà báo Hoàng Thế Anh, Phó Tổng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật hiện nay, tuy tuổi đời chưa nhiều, nhưng đã có 17 năm gắn bó với nghề báo của ngành Kiểm sát nhân dân. Nhà báo Hoàng Thế Anh tâm sự: “Khi còn làm Tạp chí, chúng tôi chú trọng “tính khoa học, tính nghiệp vụ và tính thực tiễn”; còn khi sang làm báo, chúng tôi chú trọng tiêu chí “sự trung thực, khách quan và trách nhiệm”. Uy tín, danh dự, nhân phẩm và số phận mỗi con người trong nhiều trường hợp phụ thuộc vào những thông tin mà báo chí đưa lên”.

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, tôi xin nêu lại những dòng tâm sự của một số Nhà báo lâu năm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Họ đều là những người tâm huyết, say mê với sự nghiệp báo chí của Ngành. Xin chúc các bác, các anh mạnh khỏe; tiếp tục đóng góp cho các cơ quan báo chí của ngành Kiểm sát nhân dân nhiều hơn nữa.
 

Minh Đạo

.