(BVPL) - Ngày 27/10/2014 tại Hà Nội, VKSNDTC phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra (Chỉ thị 06) và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 2/8/2013 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Thông tư 06). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị; đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; đại diện lãnh đạo, cán bộ 31 VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) và đại diện Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát các quân khu, quân đoàn, quân chủng …

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC  khẳng định, sau khi triển khai Thông tư liên tịch 06 và Chỉ thị 06, toàn ngành Kiểm sát đã có những chuyển biến tích cực, nhiều đơn vị đã có chuyển biến rất rõ nét. Tuy nhiên, một số Viện kiểm sát địa phương, đơn vị còn chuyển biến chậm, một số chỉ tiêu của Ngành và của Quốc hội giao chưa đạt được… Do đó, theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC thì việc tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch 06 và Chỉ thị 06 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những yếu kém tồn tại và nguyên nhân để đề ra biện pháp hữu ích nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch 06 và Chỉ thị 06 trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ 1A VKSNDTC đã trình bày Báo cáo tóm tắt sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 6/12/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Báo cáo cho thấy, ngay sau khi ban hành Chỉ thị, Viện kiểm sát các cấp đã tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Trong năm 2014, toàn ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để phấn đấu và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự được tăng cường; kết quả kiểm sát có nhiều tiến bộ, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự và hạn chế các trường hợp oan, sai và bỏ lọt tội phạm; kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và những cán bộ vi phạm pháp luật gây oan, sai. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp ngày càng được tăng cường và hiệu quả hơn; đã nỗ lực hoàn thành tốt công tác xây dựng các dự án luật; các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản trong các Nghị quyết số 37, 63 của Quốc hội đều được thực hiện nghiêm túc, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt yêu cầu, góp phần tích cực xây dựng, nâng cao niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào các cơ quan tư pháp.  

Liên quan đến việc thực hiện Thông tư liên tịch số 06, Báo cáo sơ kết của VKSNDTC cũng đã khẳng định, ngay sau khi Thông tư 06 có hiệu lực pháp luật, các đơn vị, VKSND các tỉnh, thành phố đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được nâng cao; công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã đi vào nề nếp, kịp thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. Qua hoạt động kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành nhiều kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, chống bỏ lọt tội phạm. Các cơ quan chức năng đã chủ động hơn trong việc chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra khi có các dấu hiệu tội phạm và thông báo cho Viện kiểm sát biết để tiến hành kiểm sát theo quy định của pháp luật…  

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC, các đại biểu thuộc VKSNDTC và VKSND các địa phương đã thảo luận, phát biểu ý kiến liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 06 và Chỉ thị 06 thời gian qua, đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị và các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 06 và Chỉ thị 06 trong thời gian tới. Các đại biểu dự hội nghị cũng đã được nghe giới thiệu những nội dung chính của Quy chế công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và Quy chế công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra việc tiến hành giám định. Hội nghị cũng đã được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC. Theo đồng chí Viện trưởng thì hội nghị có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, được diễn ra trong bối cảnh ngành KSND đang báo cáo về tình hình hoạt động trước Quốc hội và Quốc hội cũng đang xem xét, có ý kiến để thông qua Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) tại kỳ họp này. Cùng với đó, dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) do VKSNDTC chủ trì soạn thảo cũng đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Cũng theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC thì điều quan trọng là sau hội nghị cần tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các kết quả của hội nghị vào thực tiễn để Thông tư liên tịch 06 và Chỉ thị 06 tiếp tục được thực hiện tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, “chống oan, chống lọt”, qua đó giúp ngành KSND thực hiện tốt nhiệm vụ của mình khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
 

Văn Tình

.