Một vụ kiện đòi lại 4 con bò diễn ra đã hơn 7 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tất cả cũng chỉ vì Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
 


Theo trình bày của ông D: Đầu năm 2005, trong thời gian chờ Tòa án giải quyết việc ly hôn giữa ông với vợ là bà B, ông hợp đồng giao đàn bò gồm 04 con, trong đó có 03 bò cái đang chửa và 01 bò đực ba năm tuổi cho các ông T, H  để hai người này nuôi rẽ và cùng hưởng lợi khi bò đẻ ra nghé. Sau khi giao bò cho các ông T, H lùa về, khoảng 30  phút sau thì hai ông này quay lại báo đàn bò bị mất. Hỏi ra thì mới biết là đàn bò đã bị vợ, con ông D chặn đường lấy lại. Ông D cùng các ông T, H đến nhà trưởng thôn báo cáo. Ông trưởng thôn bảo bò của vợ chồng người ta thì vợ, con người ta lấy lại là đúng rồi, các ông về đi. Nghe vậy, mọi người ra về nhưng trong lòng ông D thì ấm ức, không đồng ý. Lấn cấn mãi, đến tháng 7/2007 ông mới kiện các ông T, H ra Tòa đòi lại bò, nếu không còn bò thì trả bằng tiền là 34 triệu đồng.

Các ông T, H thừa nhận có hợp đồng chăn bò với ông D như ông này trình bày, nhưng bò đã bị vợ, con ông D lấy lại nên các ông không đồng ý bồi thường.

Thụ lý vụ án, TAND huyện Tuy An ( Phú Yên ) căn cứ Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân…bị vi phạm” để xác định thời hiệu khởi kiện của ông D đã hết, từ đó Tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Ông D kháng cáo. Ngày 18-6-2008, TAND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông D. Không đồng ý với việc giải quyết của TAND tỉnh Phú Yên, ông D đã khiếu nại.

Tháng 6/2011, Chánh án TANDTC đã kháng nghị giám đốc thẩm hủy quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của TAND tỉnh Phú Yên để xét xử phúc thẩm vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Tại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã nhận định: Theo quy định tại Điều 245 BLTTDS, thời hạn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm là 7 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Như vậy, thời hạn kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án được tính từ ngày đương sự nhận quyết định mà không phụ thuộc vào việc họ có mặt tại phiên tòa hay không.

 

Trong vụ án này, ông D có mặt tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-12-2007 và được nghe chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đình chỉ vụ án. Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 15-01-2008 ông D mới nhận được quyết định đình chỉ vụ án. Ngày 17-01-2008 và ngày 20-4-2008, ông D có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, TAND huyện Tuy An sau đó lại ra thông báo trả lại đơn cho ông D với lý do ông không còn quyền kháng cáo. Nhưng trong thông báo gửi cho các ông T, H thì TAND huyện Tuy An lại báo cho những người này biết quyết định đình chỉ vụ án đã bị ông D kháng cáo. Ngày 6-5-2008 TAND huyện Tuy An lại có thông báo cho ông D với nội dung: “Xét thấy đơn kháng cáo hợp lệ và người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật”. Ngày 13-5-2008, ông D đã nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án và giao biên lai cho Tòa án huyện.

 

Do đó, việc kháng cáo của ông D đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND huyện Tuy An là hoàn toàn hợp lệ theo quy định của BLTTDS. Thế nhưng, ngày 14-5-2008, TAND huyện Tuy An lại căn cứ đơn kháng cáo của ông D đề ngày 20-4-2008 để lập tờ trình kháng cáo quá hạn gửi TAND tỉnh Phú Yên.  Như vậy, TAND cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện những sai lầm và vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm, không xem xét việc kháng cáo của ông D là hợp lệ, mà lại ra quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông D, là không đúng. Từ đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hủy quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của TAND tỉnh Phú Yên để xét xử phúc thẩm vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
 

Xuân Long

.