Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc khảo sát hiện trường và làm việc với Bộ Công thương, Tổng Công ty giấy, UBND tỉnh Long An và các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, ngày 26/3.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong 12 dự án yếu kém, Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất. Ảnh:VGP

Báo cáo khái quát về quá trình xây dựng và khó khăn, vướng mắc của Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam đã và đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đến thời điểm hiện tại, dự án này đã thể hiện là không khả thi do không còn vùng nguyên liệu (hiện khu vực không còn trồng đay – nguyên liệu để sản xuất của nhà máy). Giải pháp điều chỉnh tính năng sản xuất để phù hợp với các nguyên liệu khác cũng không khả thi, sản phẩm làm ra (chủ yếu là giấy in báo) cũng khó tiêu thụ. Mặt khác, Tổng Công ty Giấy gặp khó khăn trong xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính của dự án;  Đang bị các chủ nợ khởi kiện.

Để xử lý dự án, Bộ Công thương đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai phương án bán đấu giá tài sản, nhưng những năm qua, phương án này không triển khai được do không có nhà đầu tư nào tham gia qua 3 lần tổ chức đấu giá (do giá khởi điểm được định giá không phù hợp với thị trường), một số nội dung liên quan tới chủ nợ cũng có vướng mắc.

leftcenterrightdel
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, việc xử lý dự án nhà máy bột giấy Phương Nam "vẫn loay hoay, không dứt điểm được". Ảnh:VGP

Theo báo cáo, tỉnh Long An đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng quyền sử dụng đất dự án để xây dựng Khu đô thị sinh thái gắn với công nghệ cao. Bộ Công thương cũng đề xuất phương án 3 là dừng thực hiện và bán thanh lý tài sản trên đất của dự án. Bộ cũng đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo ban hành cơ chế đặc thù để xử lý những tồn tại của dự án này…

Còn đại diện Tổng Công ty Giấy Việt Nam nêu rõ: Do tính "đặc thù" của dây chuyền này nên khó thanh lý. Vì vậy, nên tổ chức định giá và bán đấu giá theo từng cụm thiết bị, hoặc "nước cùng" cho thanh lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, về thực tiễn các yếu tố bảo đảm cho dự án hoạt động đều không còn. Việc cơ quan có thẩm quyền đã chỉ đạo dừng dự án từ năm 2014 để tránh thiệt hại thêm là chính xác. Tuy nhiên, tiến độ xử lý chậm nên gây thiệt hại rất lớn. Bà Ngọc cho rằng, dự án không triển khai được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định chấm dứt dự án.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, tính khả thi để triển khai dự án đã không còn. Chúng ta đã tạm dừng dự án từ 2014 để xử lý nhưng chưa giải quyết được. Chính vì vậy, tỉnh Long An đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án để xử lý theo quy định của pháp luật… Từ thực tiễn dự án và địa phương, tỉnh Long An để nghị chuyển đổi dự án thành khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biếu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Do các phương án của Bộ Công thương đề xuất chưa rõ nên thời gian qua, việc xử lý "vẫn loay hoay, không dứt điểm được". Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, trong các phương án đề xuất phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất, các vấn đề liên quan đến pháp lý,… đồng thời, phải căn cứ vào thực tế để đề xuất phương án cuối cùng cho Ban Chỉ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong 12 dự án yếu kém, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý 8 dự án. Đối với 4 dự án còn lại (Bột Giấy Phương Nam; Thép Lào Cai; Thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất) thì Dự án nhà máy giấy Phương Nam là khó khăn nhất.

“Các ý kiến đều thống nhất dừng thực hiện dự án. Để có phương án hiệu quả, đúng pháp luật, xử lý dứt điểm dự án này, đề nghị Bộ Công thương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan bàn thảo, phân tích, tính toán, đề xuất "phương án cuối cùng"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, các phương án phải làm rõ giải pháp về xử lý tài sản trên đất, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề liên quan đến đất đai,… Đối với việc xử lý dây chuyền, máy móc, trang thiết bị, phải tính toán kỹ lưỡng để đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Về phía tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt, thì tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trước 15/4/2023 phải trình Ban Chỉ đạo, để Ban Chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xử lý dự án phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các giải pháp phải công khai, minh bạch và công bằng giữa các bên liên quan, phải ngồi với nhau để cùng thống nhất xử lý theo tinh thần có lợi thì cùng hưởng, còn rủi ro phải chia sẻ.

Nguyễn Anh