(BVPL) - Để kịp thời triển khai nhiệm vụ xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) do Quốc hội giao, mới đây, tại trụ sở VKSNDTC, Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đã tổ chức phiên họp thứ  hai.

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo; các Ủy viên Ban soạn thảo: đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; đồng chí Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tham dự phiên họp còn có đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành cùng các đồng chí thành viên Tổ Biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi).

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp.


Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) điểm lại những hoạt động đã làm được trong thời gian qua nhằm phục vụ công tác xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) như: Triển khai tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 tại 10 bộ, ngành Trung ương và xây dựng dự thảo Báo cáo; Tiến hành tổng kết điểm tại 7 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước; Rà soát các văn bản pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; Tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài; Nghiên cứu và biên dịch các Bộ luật tương tự của nhiều quốc gia trên thế giới… Riêng đối với VKSNDTC, với nhiệm vụ được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành phân công nhiệm vụ cụ thể các đồng chí Lãnh đạo VKSNDTC, đồng thời tổ chức Hội nghị toàn ngành Kiểm sát “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Bộ luật TTHS năm 2003” và đã thu được nhiều thông tin bổ ích, quan trọng đối với việc xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi).

Qua việc thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu đối với các tài liệu, đồng chí Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị và nội dung của những tài liệu được đưa ra tại phiên họp. Đồng chí Viện trưởng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nội dung quan trọng nhất mà các đại biểu cần tập trung tham gia thảo luận, cho ý kiến chính là vấn đề về nguyên tắc, định hướng sửa đổi. Khi đã thống nhất về định hướng sửa đổi, Ban soạn thảo sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, sau đó mới thảo luận, góp ý về những nội dung cụ thể của Bộ luật TTHS (sửa đổi). Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ nhất đối với Dự án Bộ luật này vào kỳ họp tháng 10/2013, thời gian không còn nhiều, do vậy, với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đại biểu cần có thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao đối với quá trình xây dựng Bộ luật. Đồng chí Viện trưởng nêu rõ, đối với các ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu tại phiên họp liên quan đến việc xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), bộ phận giúp việc cho Ban soạn thảo sẽ có trách nhiệm tập hợp, tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc. Đồng chí Viện trưởng cũng đề nghị các đại biểu sau phiên họp sẽ vẫn tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo tài liệu để gửi lại cho Ban soạn thảo; tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp của Tổ Biên tập, Ban soạn thảo... góp phần giúp cho việc triển khai các hoạt động xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) đạt chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
 

Văn Tình 

.