(BVPL) - Ngày 10/12 tại trụ sở VKSNDTC, Ban Soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đã họp phiên thứ ba để thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề quan trọng của Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp thứ ba có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Phước Tới, Lê Hữu Thể; đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam; đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội; đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực UBTP Quốc hội. Tham dự phiên họp còn có đại diện một số Bộ, ngành cùng các đồng chí thành viên Tổ Biên tập Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Tại phiên họp, đồng chí Đặng Văn Khanh, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Tổ trưởng Tổ Biên tập đã trình bày tóm tắt Tờ trình về Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Theo đó, mục tiêu của việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định về VKSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Cùng với đó, việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo, đó là thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp trong đó có tổ chức và hoạt động của VKSND thể hiện trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng. Việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của VKSND theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND và các văn bản pháp luật khác có liên quan từ trước đến nay; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của Nhà nước ta, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật. Mặt khác, việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) phải xuất phát từ đặc điểm cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của các nước, phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể của nước ta.
Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu và thành viên Ban Soạn thảo, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo đã đánh giá cao sự chuẩn bị những tài liệu tại cuộc họp của Tổ Biên tập đồng thời cho rằng các đại biểu đã phát biểu những ý kiến thẳng thắn, có chất lượng góp ý vào dự thảo Luật. Điểm lại những hoạt động nổi bật mà cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm được trong thời gian qua nhằm phục vụ công tác xây dựng Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của phiên họp thứ ba, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cũng mong rằng, các đại biểu và các thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ Biên tập thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật. Đồng chí Viện trưởng cho biết thêm, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật này, Ban Soạn thảo sẽ tổ chức phiên họp tiếp theo để cho ý kiến, sau đó sẽ chỉnh lý dự thảo và Hồ sơ dự án Luật gửi xin ý kiến Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
P.T