Đặt tên các con là Kiên và Nhẫn, ông Cường tâm nguyện cả đời sẽ nhẫn nại và mong các con trưởng thành như ước mong của bố mẹ. Nào ngờ, thằng Nhẫn hỗn hào tới mức ông bố này không thể kiên nhẫn hơn…
Nhắc tới Trần Văn Nhẫn, SN 1988, mặt ông Cường xa xẩm. Nhẫn được vợ chồng ông Cường dành nhiều ưu ái, chăm bẵm. Cũng vì được bố mẹ cưng chiều hơn anh nên từ nhỏ Nhẫn đã ngỗ ngược, phá phách. Bố mẹ xoay đủ nghề để lo cơm áo cho 4 miệng ăn vậy mà Nhẫn chỉ ưa cuộc sống "vương giả". Nhà khốn khó nhưng Nhẫn lúc nào cũng ăn diện.
Hơn 10 tuổi, khi mới tập tành xe đạp, Nhẫn đã đòi bố mẹ mua xe "xịn". Ông bố này ngán ngẩm vì những chiếc xe lần lượt "bốc hơi" và mỗi lần như vậy, Nhẫn nói dối rằng, mất xe. Ông Cường biết, thằng út bán xe lấy tiền tiêu xài nên dạy dỗ. Thay vì nghe lời bố phân tích để tiếp thu thì Nhẫn tỏ ra bất cần, càng láo toét hơn. "Nó hay đánh nhau, bỏ đi chơi và đua đòi đám bạn xấu. Chuyện đến tai cô giáo chủ nhiệm và tôi nhiều lần bị gọi lên để thông báo" - ông Cường trình bày trước HĐXX.
Nhiều bận phải "đeo mo" đến họp phụ huynh nhưng ông Cường vẫn nài cô giáo giúp đỡ để Nhẫn không thất học. Song đúng là "cha mẹ sinh con, trời sinh tính", ông Cường bất lực vì không dạy được con. Hết lớp 6, Nhẫn bỏ học. Đắng lòng lắm nhưng ông bố này phải "nhắm mắt" nhờ chính quyền địa phương đưa con vào trường giáo dưỡng ở Ninh Bình rèn rũa Nhẫn trong 2 năm. Tưởng rằng, sự nghiêm khắc ở ngôi trường đặc biệt sẽ giúp Nhẫn nên người. Nào ngờ, lúc con trở về, ông Cường hẫng hụt khi Nhẫn vẫn "chứng nào tật ấy".
Cũng từ đó, Nhẫn nhìn bố mẹ với ánh mắt khác, đầy hằn học. Điều đó khiến ông Cường lo ngại. Như lời ông Cường, hai bố con thường cãi nhau tay đôi; có bận, ông Cường bị con trai đánh gẫy răng, chém đứt cả gân tay. Người dì thấy cháu hỗn hào với bố mẹ đã khuyên cũng bị đánh. Họ hàng nội ngoại ghét bỏ thằng cháu, ghét lây sang cả vợ chồng ông Cường.
Ông Cường cố an ủi và định hướng cho con tìm một cái nghề, Nhẫn chạy xe ôm. Cái nghề không cao sang nhưng cũng giúp con đứng được trên đôi chân của mình nên ông Cường mừng thầm. Vợ chồng ông sắm "cần câu cơm" cho Nhẫn. Có xe, Nhẫn được thể đi chơi nhiều hơn đi làm; và 3 chiếc xe máy lại "bốc hơi". Cũng như thói xấu từ nhỏ, những lần "hóa" xe máy, Nhẫn đều nói là bị mất. "Miệng ăn, núi lở", khi đốt sạch tiền bán xe, Nhẫn xin mẹ tiền thì bị mắng. Đứa con bất hiếu giở mặt ngay khi không được chiều theo ý. Giờ thì Nhẫn đã chết, ôn lại chuyện cũ mà bà Liên vẫn chưa thể tha thứ cho con. Vì lẽ đó, bà thương chồng nhiều hơn trách.
Phòng xử tầng 4 của TAND TP Hà Nội nhỏ hẹp chỉ kê được 2, 3 cái ghế dài. Khoảng cách giữa bà Liên và ông Cường chỉ trong gang tấc nhưng đôi vợ chồng già lại quá xa xôi. Nhìn chồng già sọm, tóc bạc trắng so với ngày bị bắt, bà Liên biết ông Cường đã dằn vặt suốt mấy tháng qua. Nghe chồng giãi bày về cuộc đời, bà Liên không kìm được tiếng thở dài.
Sự việc xảy ra đêm 25-2-2012 là chuyện cơm bữa nhưng bà Liên không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông Cường lại xách búa đập con. Đêm đó, Nhẫn hùng hổ xông vào phòng đánh chị dâu. Nhẫn cho rằng, chị dâu dám hỗn với mẹ chồng. Khi ấy, người phụ nữ này đang ôm con ngủ và bà Liên sợ làm tổn hại hai mẹ con đã lao vào can. Nhẫn đã quay ra chửi, đe dọa mẹ. Ông Cường thấy con trai út vô lý như vậy, rất bực mình.
Ông cho hay, con dâu vất vả, chồng đi làm xa lại bị em chồng coi không ra gì nên ông hậm hực thay. Nhẫn đối xử với chị dâu không ra gì, ông Cường từng nén nhịn nhưng đêm đó, ông không thể chợp mắt, cứ đau đáu nghĩ về đứa con bất hiếu. Ông bố này tự nhận mình là kẻ điên khi có ý nghĩ muốn đánh chết con. Sáng hôm sau, khi đi tập thể dục về, ông Cường đã dùng chiếc búa đinh bổ liên tiếp vào đầu Nhẫn. "Việc làm của tôi là sai và tôi sẵn sàng đón nhận bản án của quý tòa" - ông Cường điềm tĩnh nói.
Cất giọng như thể tâm sự chứ không có ý bao biện hay tự bào chữa, ông Cường giãi bày: "Chúng tôi mà già yếu, nó không bấu víu được vào ai sẽ làm liên lụy nhiều người, thành đứa đầu trộm đuôi cướp". "Ông đặt tên hai con là Kiên và Nhẫn. Vậy tại sao không kiên nhẫn dạy con mà để xảy ra nông nỗi này?" - vị chủ tọa hỏi.
Ông Cường đáp, nếu không kiên nhẫn thì bị cáo đã làm chuyện này từ lâu rồi. Khi Nhẫn chém bị thương, ông Cường vẫn cắn răng để chờ cơ hội dạy dỗ con, mong nó sửa đổi. Nhưng vì bất lực hết lần này đến lần khác đã khiến ông Cường vượt ngưỡng.
Trong lúc tòa nghỉ nghị án, ông Cường tranh thủ ngoái lại nhìn vợ và thằng con cả. Bị cáo không thốt nên lời, khuôn mặt nặng trĩu. Bà Liên cho hay, cả một đời vất vả, vợ chồng bà tay trắng mà mua được ngôi nhà nhỏ ở khu đất bãi sông Hồng. Căn nhà chật chội là nơi trú ngụ của 6 thành viên (vợ chồng bà, Nhẫn và vợ chồng con trai lớn, cháu nội). Vậy mà, giờ tổ ấm ấy tan đàn xẻ nghé. Nhìn vợ, ông Cường cũng thấy rõ sự suy sụp của bà Liên. Con chết, chồng vướng vào lao lý, bà Liên sức khỏe giảm sút.
Bị cáo nhận tội, đại diện bị hại xin giảm án cho bị cáo nên phiên tòa diễn ra chóng vánh. Tòa tuyên ông Cường 7 năm tù về tội "Giết người trong trạng thái bị kích động". Mức án này khiến khuôn mặt bà Liên giãn ra đôi chút. Dù gì, ông Cường vẫn có cơ hội sớm trở về để cùng vợ san sẻ những gánh nặng cuối cuộc đời. Điều duy nhất an ủi phần nào đôi vợ chồng già khi người con trai lớn tỏ ra biết điều và có chí hơn em.
(Tên vợ của bị cáo đã được thay đổi)
Theo Hoa Đỗ
PL&XH