Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị trong ngành KSND vừa được VKSNDTC tổ chức, một trong những nội dung quan trọng đã được nhiều đại biểu nêu lên, đó là việc thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và về Cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSNDTC... Báo BVPL trích đăng một số ý kiến tâm huyết tại Hội nghị.
 

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị trong ngành KSND.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị trong ngành KSND.


Theo bà Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A), VKSNDTC thì “Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra” là một trong những chủ trương lớn, quan trọng của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Quán triệt sâu sắc chủ trương này, ngay từ khi ban hành và liên tục suốt 8 năm qua, chất lượng công tố trong hoạt động điều tra ngày càng chuyển biến rõ rệt. VKS các cấp đã tích cực đổi mới, triển khai nhiều biện pháp, nêu cao trách nhiệm công tố ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra, chủ động yêu cầu điều tra, góp phần nâng tỷ lệ phát hiện tội phạm năm sau cao hơn năm trước và việc điều tra được toàn diện, triệt để... Tuy nhiên, theo bà Hoa thì bên cạnh những kết quả đạt được, trách nhiệm công tố, sự gắn kết giữa công tố với hoạt động điều tra còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài nguyên nhân chủ quan, còn do nhiều vướng mắc, khó khăn như: quyền công tố nhà nước đòi hỏi mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) chỉ quy định trách nhiệm VKS thực hành quyền công tố trong khuôn khổ hoạt động tố tụng của CQĐT (Điều 23) thì trách nhiệm công tố của VKS là chưa đầy đủ, thiếu toàn diện, không đáp ứng yêu cầu chống tội phạm. Trong khi BLTTHS và Luật Tổ chức VKSND đều ghi rõ trách nhiệm của VKS rất nặng nề phải quyết định việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng việc thực hành quyền công tố ngay từ khi khởi tố lại gặp khó khăn do luật hiện hành quy định CQĐT làm đầu mối quản lý và giải quyết mọi tin báo, tố giác về mọi tội phạm mà không quy định trách nhiệm CQĐT phải thông báo các nguồn tin tội phạm đã tiếp nhận được cho VKS. VKS cũng không có quyền xác minh tố giác, tin báo về tội phạm. VKS ở vào thế bị động, phụ thuộc vào CQĐT trong việc khởi tố. Bên cạnh đó, CQĐT ở nước ta (trừ CQĐT của VKSNDTC) do đặt trong lực lượng vũ trang nên dường như nguyên tắc mệnh lệnh, chỉ huy trong hoạt động điều tra có “tác động chi phối” mạnh hơn sự tác động công tố của VKS. Điều tra viên phải tuân thủ chỉ đạo của người chỉ huy, đáp ứng trước hết và đầu tiên là yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, sau đó mới đến yêu cầu pháp luật. Vì vậy, cơ chế ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, của Điều tra viên trong thực hiện các yêu cầu, quyết định của VKS, của Kiểm sát viên chưa thực chất, chỉ là sự ràng buộc về thủ tục pháp lý, còn nội dung tiến hành các hoạt động điều tra như thế nào là do Điều tra viên tiến hành dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT. Thêm vào đó, BLTTHS hiện hành chỉ cho phép VKS được trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, củng cố chứng cứ, không được trực tiếp điều tra sau khi nhận hồ sơ vụ án mà phát hiện thấy tội phạm mới, người phạm tội mới vẫn phải trả hồ sơ cho CQĐT tiến hành. Điều này đã hạn chế tính chủ động của công tố trong quyết định truy tố. Ngoài ra, tổ chức bộ máy các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKS các cấp có nhiệm vụ thực thi các quyền hạn tố tụng theo quy định của BLTTHS nhưng lại được tổ chức theo mô hình quản lý hành chính là không phù hợp, không tương thích với tính chất hoạt động điều tra của CQĐT, nhất là ở VKSNDTC. Chưa kể, các quyền hạn công tố của VKS tập trung chủ yếu vào Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên hầu như không có quyền quyết định gì trong khi họ thực hiện hầu hết các hành vi tố tụng, từ khi khởi tố đến kết thúc điều tra. Vì mang tính chất như người giúp việc nên họ còn ỷ lại, thụ động, không nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.

 Để thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, bà Lê Thị Tuyết Hoa cho rằng, trong khi chưa sửa đổi các văn bản pháp luật để thể chế hóa chủ trương này, VKS các cấp cần khắc phục tình trạng thụ động, chờ việc từ CQĐT, chủ động thực hiện đầy đủ các hành vi và quyết định công tố theo thẩm quyền do BLTTHS quy định; kiên quyết nhưng thận trọng trong việc xét phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT. Ngoài ra cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các văn bản pháp luật như: đề nghị Quốc hội xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của VKS trong Hiến pháp theo hướng VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật không chỉ trong hoạt động tư pháp mà còn cả trong việc xử lý vi phạm hành chính. Với việc mở rộng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật sẽ tạo điều kiện cho VKS thực hiện đầy đủ quyền công tố nhà nước ngay từ giai đoạn điều tra, phát hiện tội phạm, chống hành chính hóa, kỷ luật hóa các quan hệ pháp luật hình sự…

(Còn nữa)
 

 P.V