(BVPL) - Ngày 4/9/2015 tại TP Vinh (Nghệ An), VKSND tối cao và Dự án hỗ trợ cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp (JICA PROJECT) phối hợp tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) khu vực Miền Trung. Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, chỉ đạo Hội nghị, với sự có mặt của ông Tsukahara Masanori - chuyên gia dự án JICA cùng lãnh đạo VKSND các tỉnh khu vực Miền Trung.
 
Tiến sỹ Trần Công Phàn phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị
 
Khai mạc Hội nghị, Tiến sỹ Trần Công Phàn đã nêu bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu, đóng góp các ý kiến từ thực tiễn vào việc xây dựng dự thảo Bộ luật hình sự, bởi liên quan trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, của ngành Kiểm sát nói riêng. Là cơ quan bảo vệ pháp luật, ngành Kiểm sát phải nắm vững, hiểu sâu, vận dụng chính xác các quy phạm của pháp luật hình sự vào thực tiễn cuộc sống, từ đó mới làm tốt, nâng cao vai trò của ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…
 
Tại Hội nghị, 11 ý kiến tham luận của các đơn vị VKS địa phương đã đánh giá bản dự thảo Bộ luật hình sự lần này có nhiều tiến bộ, đảm bảo tính dự báo và ổn định lâu dài, giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Bộ luật hình sự hiện hành. Đồng thời cũng đưa ra những ý kiến góp ý, đề xuất sửa đổi một số điều luật tại Phần chung và Phần tội phạm cụ thể, cũng như những nội dung trọng tâm, với những ví dụ, giả thiết, tình huống tội phạm được phân tích phù hợp với thực tiễn và có tính dự báo ở tương lai, theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao về lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ luật hình sự lần này. Nhiều tham luận có tính chuyên sâu, góp ý trọng tâm ở từng chương cụ thể, như:
 
Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An tham luận, tập trung ý kiến góp ý vào Chương XX- Các tội xâm phạm về ma túy và Chương XXI- Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Ý kiến VKSND tỉnh Nghệ An đưa ra là cần tách các hành vi sản xuất và mua bán trái phếp chất ma túy quy định tại điều 194 thành các tội độc lập. Không nên tách các hành vi tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất ma túy, phương tiện, dụng cụ trái phép chất ma túy thành các tội độc lập, mà chỉ nên quy định là tội ghép, thể hiện bản chất nhân đạo của pháp luật, phù hợp với thực tiễn đường lối xử lý tội phạm về ma túy, cũng như đường lối xử lý chung các loại tội phạm khác trong BLHS. Đối với diện áp dụng hình phạt tử hình, VKSND tỉnh Nghệ An góp ý cần bổ sung thêm đối tượng phải chịu hình phạt tử hình đối với với những đối tượng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại khoản 5 điều 249 và khoản 5 điều 252. Theo phân tích của VKS Nghệ An, thì những đối tượng này có thể không phải là “chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy”, nhưng tham gia với vai trò đồng phạm là người góp tiền nhiều lần để tham gia mua bán hoặc thực hành, thường xuyên nhiều lần vận chuyển ma túy với số lượng lớn thì hành vi của những đối tượng này nguy hiểm cho xã hội nhiều hơn, nếu so với kẻ chủ mưu, cầm đầu chỉ tham gia 1, 2 vụ, với số lượng ma túy trên mức quy định tối đa không nhiều. VKSND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị thay từ “khối lượng” bằng từ “trọng lượng” mà dự thảo đưa ra và tăng mức phạt tiền ở tội mua bán trái phép chất ma túy và giảm mức phạt tiền ở tội sản xuất trái phép chất ma túy.
 
Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị
Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị
 
Về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương XXI), VKSND tỉnh Nghệ An góp ý đưa điều 308- “tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em” và điều 309 “tội cưỡng bức lao động” vào chương XIV- các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”; bổ sung thêm “tội cướp hàng không”, ghép vào “tội cướp biển, hàng không”; bổ sung thêm biện pháp tịch thu phương tiện đối với “tội đua xe trái phép”…
 
Tham luận của VKSND tỉnh Đắk Lắk tập trung vào Chương XII- Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội và Chương XVI: Các tội xâm phạm sở hữu. Theo đó, VKSND tỉnh Đắk Lắk góp ý cần quy định rõ trong điều luật về tình tiết tăng nặng TNHS đối với trường hợp “xúi dục người chưa thành niên phạm tội”, không buộc người chưa thành niên phải chịu tình tiết tăng nặng này; cần có 01 điều luật quy định về các khái niệm và độ tuổi với “người chưa thành niên”, người được gọi là “trẻ em”, vì các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước ta chưa có hệ thống và thiếu thống nhất trong việc dùng các thuật ngữ đi kèm với việc xác định độ tuổi của người chưa thành niên và trẻ em; bỏ hình thức phạt tiên quy định tại khoản 2 điều 98 và bỏ toàn bộ điều 99. Đối với các tội xâm phạm sở hữu, VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị nâng mức tài sản bị chiếm đoạt và xâm hại tại khoản 1 các điều 171, 172, 173, 177 lên mức 3 triệu hoặc 4 triệu đồng; tại khoản 1 điều 174 lên 6, 7 triệu đồng. Về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị đưa vào nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, bỏ từ “gian dối” trong cụm từ “dùng thủ đoạn gian dối”; thay cụm từ “đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp” bằng cụm từ “đã dụng tài sản đó vào mục đích khác với thỏa thuận khi nhận tài sản”…
 
VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế tham luận, góp ý tập trung vào Chương III- Tội phạm và chương XV- Các tội xâm phạm quyền tự do của con người,quyền tự do, dân chủ của công dân. VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị cần xây dựng chế tài pháp luật mạnh hơn đối với tội phạm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, vì có nhiều vụ án nhóm đối tượng ở độ tuổi này gây ra với phương thức rất nguy hiểm, liều lĩnh, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng; đề nghị bỏ từ “say” trong điều 13; sửa đổi điều 15 theo hướng thêm vào cụm từ “hoặc đã thực hiện hành vi đến cùng nhưng hậu quả không xảy ra”. Đối với các tình tiết giảm nhẹ TNHS, VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị thêm vào tình tiết “nộp lại khoản thu lợi bất chính”, đối với tình tiết tăng nặng, thêm vào tình tiết “sau khi gây án đã bị CQĐT ra lệnh truy nã”…
 
VKSND tỉnh Bình Đình tham luận, góp ý tập trung vào Chương VIII- Quyết định hình phạt và Chương XIV- Các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự của con người. Cơ bản, VKSND tỉnh Bình Định thống nhất như dự thảo, chỉ góp ý thêm ở một số vấn đề như: các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điều 50, nên thêm “người thân của họ tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”; không nên quy định “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là tình tiết giảm nhẹ; quy định độ tuổi của người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên hưởng tình tiết giảm nhẹ; bổ sung thêm tình tiết giảm nhẹ mới “người phạm tội là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh”… Đối với các tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điều 51, đề nghị giảm độ tuổi của người bị phạm tội từ 70 tuổi xuống 60 tuổi… Về các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, VKSND tỉnh Bình Định cho rằng việc quy định hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù đối với các trường hợp phạm tội quy định từ điểm a đến điểm I của khoản 2, điều 121 là nhẹ, chưa thể hiện được tính nghiêm khắc của tội phạm giết ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột...; việc bỏ tình tiết giết người là thầy cô giáo của mình là không phù hợp vơi truyền thống tôn sư trọng đạo; cần quy định cụ thể giết 02 người trở lên tại điều 123; đối với các nhóm tội từ điều 132 đến điều 135, việc quy định mức hình phạt tại khoản 1 của 4 điều luật này chỉ phạt tiền hoặc cải tạo không giữ là quá nhẹ, cần giữ nguyên mức hình phạt như BLHS 1999; bỏ tình tiết định khung “làm nạn nhân có thai” tại điều 138 là không phù hợp…
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
 
VKSND tỉnh Khánh Hòa tham luận, góp ý tập trung vào Chương VI- Hình phạt, Chương VII- Các biện pháp tư pháp và Chương XIX- Các tội phạm về môi trường. Ngoài việc tán thành các quy định như trọng dự thảo, đã đề nghị bổ sung “mức tối đa của tù có thời hạn đối với người phạm nhiều tội là 30 năm”; chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy; chi nên xem xét giữ lại án tử hình đối với các tội danh xâm hại trực tiếp đến khách thể là quyền được sống của con người, còn các tội danh khác, kể cả một số tội xâm phạm an ninh quốc gia nếu như không xâm hại đến khách thể nói trên và có thể xem xét thay thế bằng hình phạt tù chung thân không giảm án theo quy định mới; nên giữ lại hình phạt tử hình đối với các tội “phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”, “chống loài người” và “tội phạm chiến tranh”
 
VKSND tỉnh Phú Yên tham luận, góp ý vào 4 nội dung chính: vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên; việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm và việc bãi bỏ một số tội phạm; thay thế tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Theo ý kiến của VKSND tỉnh Phú Yên, thì không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại thời điểm này; đề nghị giữ nguyên quy định của BLHS hiện hành về “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”; giữ nguyên hình phạt tử hình đối với 3 tội: phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược và vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; cần thiết giữ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
 
VKSND tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Quảng Bình, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng đã có tham luận, với những ý kiến góp ý được đúc kết từ thực tiễn hoạt động của đơn vị, cũng như kinh nghiệm áp dụng pháp luật hình sự được đúc kết sau 14 năm thi hành BLHS 1999. Các đơn vị đã đưa ra những ý kiến góp ý, đề xuất sửa đổi một số điều luật tại Phần chung, phần tội phạm cụ thể và những vấn đề trọng tâm mà dự thảo đưa ra lấy ý kiến. Phần lớn các ý kiến đề xuất thêm, bớt một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS và nhất trí quan điểm nên bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, tuy nhiên cũng đề nghị giữ lại hình phạt tử hình đối với đối với một số tội phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo tính răn đe, giáo dục.
 
Kết thúc Hội nghị, Tiến sỹ Trần Công Phàn- Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao tham luận của các đơn vị, với các ý kiến góp ý rất nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, có nhiều phát kiến… Tiến sỹ Trần Công Phàn đề nghị các đại biểu, sau Hội nghị này tiếp tục nghiên cứu, góp ý về dự thảo, vừa với trách nhiệm là cán bộ của ngành Kiểm sát, vừa với tinh thần của Bộ luật là lấy ý kiến toàn dân, để làm sao khi Bộ luật đi vào thực tiễn cuộc sống, tính khả thi của luật là cao nhất. Tiến sỹ cũng đánh giá xung quanh một số điều khoản của dự thảo vẫn còn có những ý kiến khác nhau, trái chiều, cần nghiên cứu để đi đến thống nhất. Tiến sỹ Trần Công Phàn lưu ý 4 nội dung chính, trong đó nhấn mạnh vấn đề chịu TNHS của pháp nhân, cần phải nghiên cứu kỹ, bởi khi đặt ra TNHS đối với pháp nhân, thì quy trình tố tụng TNHS đối với pháp nhân như thế nào? Trong lúc nói đến tội phạm là nói đến hành vi phạm tội có lỗi, có tính cá thể hóa… Cũng như các vấn đề chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tiền chuyển về hình phạt tù, những ý kiến về tội cố ý làm trái, hay vấn đề vướng nhất hiện nay là tình tiết, định lượng, định tính tội phạm, cần làm rõ ra, cụ thể hóa ra… Từ đó, Tiến sỹ Trần Công Phàn mong muốn sau Hội nghị này, tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các đơn vị về dự thảo BLHS sửa đổi, đảm bảo chất lượng và kỹ thuật xây dựng luật.
 
Bùi Tiến