Nhiều vấn đề đặt ra tại Hội thảo về tổ chức hoạt động của VKSND cấp cao
Cập nhật lúc 13:48, Thứ ba, 19/05/2015 (GMT+7)
(BVPL) - Ngày 15/5/2015, tại TP. Đà Nẵng, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo về “Tổ chức hoạt động của VKSND cấp cao” theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Lê Hữu Thể và Nguyễn Thị Thủy Khiêm chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có lãnh đạo các vụ và đơn vị thuộc VKSNDTC, lãnh đạo các Viện Phúc thẩm I, II, III và đại diện 12 VKS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn cả nước.
Luật Tổ chức VKSND năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015 trong đó có quy định về VKSND cấp cao nhằm thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức hệ thống VKSND mới gồm 04 cấp: VKSNDTC; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương. VKSND cấp cao là cấp kiểm sát chưa từng có trong hệ thống VKSND từ khi được thành lập cho đến nay.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận đóng góp về tổ chức hoạt động của VKSND cấp cao. Trong đó, đặc biệt các ý kiến lo ngại về rất nhiều vấn đề khó khăn đặt ra khi VKSND cấp cao chính thức đi vào hoạt động. Tiền thân của các VKSND cấp cao là các Viện Phúc thẩm I, II và III, song hiện nay nhân sự của Viện Phúc thẩm I và III, mỗi đơn vị mới chỉ có 40 người trong khi VKSND cấp cao ở 2 khu vực trên cần mỗi đơn vị 210 người; Viện Phúc thẩm II hiện có hơn 30 người nhưng VKSND cấp cao cần 130 người. Trụ sở; trang thiết bị cơ bản như: máy vi tính, bàn, tủ… để làm việc; nhà công vụ... đều chưa được trang bị thêm nên bước đầu sẽ rất khó khăn.
Đức Bình
.