(BVPL) - Mới đây, tại TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và VKSND tỉnh Hà Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Tới dự Hội thảo có Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Tham dự Hội thảo còn có các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSNDTC; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành của tỉnh Hà Nam ...

 

 Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.


Tại Hội thảo, sau khi đồng chí Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu khai mạc, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC trình bày tóm tắt về Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi); sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND và một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Cũng tại Hội thảo, dưới sự điều hành của đồng chí Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng VKSND tỉnh, các đại biểu Quốc hội và các đại biểu dự Hội thảo đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung khác nhau trong Dự thảo Luật như: về đổi mới mô hình VKSND cấp huyện; về vai trò của Ủy ban kiểm sát; về nhiệm vụ và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên; về tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC … Phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) đồng thời cho rằng, việc xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phải trên cơ sở Hiến pháp 2013 đồng thời phải có sự đồng bộ, thống nhất, tương thích với các đạo luật khác. Liên quan đến vấn đề mô hình VKSND cấp huyện, nhìn chung các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất với ý kiến đa số trong Dự thảo Luật. Theo đó, việc tổ chức VKSND cấp huyện tương ứng với TAND sơ thẩm đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện là phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Tổ chức VKSND cấp huyện là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt yêu cầu của Đảng về “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra”; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.    

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, VKSNDTC đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND; đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết thêm, sau một thời gian xây dựng, đến nay, Dự thảo Luật đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014).  

Với tinh thần đó, theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC thì việc tổ chức Hội thảo mang một ý nghĩa quan trọng nhằm mục đích giúp các đại biểu có cơ hội nắm rõ, hiểu thêm về dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), từ đó có những ý kiến đóng góp thiết thực đối với việc xây dựng Dự án Luật. Qua ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC khẳng định, những ý kiến của các đại biểu chính là những ý kiến đóng góp quan trọng, quý báu đối với việc xây dựng Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và ngành KSND sẽ nghiêm túc tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.      
 

Văn Tình

.