Ngày 24/6/2013, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 và góp ý Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC; lãnh đạo và Chánh Văn phòng VKSND các tỉnh trong khu vực; các Trưởng phòng nghiệp vụ và Viện trưởng VKSND cấp huyện của VKS tỉnh Bình Thuận.
 

 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được quy định trong Nghị quyết số 37 của Quốc hội

Theo đánh giá tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, đối tượng tội phạm đa dạng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo chỉ đạo của Viện trưởng VKSNDTC tại Chỉ thị số 01/2013/CT-VKSTC và được Nghị quyết số 37/2012/NQ-QH13 của Quốc hội qui định, VKS các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đổi mới công tác, trong đó nhiều VKS đã xác định và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết có hiệu quả những tồn tại, để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp theo yêu cầu mới.

Các VKS trong khu vực đã tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, các qui định mới của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết, số lượng tội phạm được phát hiện xử lý qua tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ bắt giữ hình sự chuyển khởi tố được nâng lên; số bị can được đình chỉ điều tra do không phạm tội, tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2013 không để xảy ra trường hợp nào Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Việc phối hợp xác định án trọng điểm, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng cho Kiểm sát viên… được quan tâm đúng mức. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, vụ án hành chính đạt kết quả. Hai cấp kiểm sát đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị có chất lượng. Một số chỉ tiêu đạt được trong công tác thi hành án hình sự, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cao hơn so với cùng kỳ năm 2012. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng ở địa phương được tăng cường. Công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, quản lý, chỉ đạo, điều hành và hậu cần có nhiều tiến bộ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhận định về những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực công tác. Một số đơn vị còn chưa chủ động thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, số tố giác, tin báo để quá thời hạn giải quyết còn nhiều; còn để xảy ra những trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam. Tỷ  lệ bắt, giữ hình sự chuyển khởi tố đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng chỉ tiêu và còn thấp hơn tỷ lệ chung của toàn Ngành. Một số chỉ tiêu trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự; công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của một số đơn vị còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại hội nghị, VKS các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay, có hiệu quả trong công tác của đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, các đại biểu thay mặt đơn vị thẳng thắn trao đổi về những khó khăn của đơn vị mình và nêu lên những vướng mắc cần tháo gỡ. Đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC đã tiếp thu, giải đáp về những khó khăn, vướng mắc mà đại diện VKS các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã nêu trong hội nghị.

Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)

Dưới sự chủ trì của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, các đại biểu dự hội nghị đã góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Viện Khoa học kiểm sát trình bày báo cáo đề dẫn về việc góp ý Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), với tinh thần và trách nhiệm cao, nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện VKS các tỉnh đã góp ý vào nhiều nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật này.

Dự thảo (lần 1) Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) bao gồm 7 chương, 20 mục, 117 điều được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến và thảo luận về 10 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cụ thể như: Việc tổ chức Ủy ban kiểm sát ở các cấp VKS; Về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên; Về diện người được bổ nhiệm Kiểm sát viên; Ngạch Kiểm sát viên; Nhiệm kỳ của Kiểm sát viên; Việc quy định Vụ trưởng (hoặc Viện trưởng) các Vụ (hoặc Viện) thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự ở VKSNDTC, Trưởng phòng các phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực là chức danh tố tụng; Về việc quy định Kiểm tra viên là một chức danh tố tụng; Về thẩm quyền điều tra của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; Về thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND; Về việc tổ chức các đơn vị cấp phòng ở VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp khu vực.

Phát biểu kết luận hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả VKSND các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ đã đạt được trong 6 tháng vừa qua. Trong bối cảnh tình hình tội phạm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng về số lượng, tính chất, thủ đoạn phạm tội phức tạp… nhưng các VKS hai cấp trong khu vực đã có nhiều cố gắng vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ ra cụ thể những mặt tồn tại cần phải khắc phục, những nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện và yêu cầu các đơn vị, địa phương phải rà soát lại những việc đã và chưa làm được để rút kinh nghiệm và tìm cách tháo gỡ. Mặt khác, từng đơn vị cần lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm gắn với những giải pháp mang tính đột phá, góp phần tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ chung trong công tác của toàn Ngành. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, các đơn vị, địa phương cần chú trọng thực hiện tốt những nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác theo qui định trong Nghị quyết số 37/2012/NQ-QH13 của Quốc hội. Theo đó, các VKS cần nêu cao quyết tâm và phải có những giải pháp hiệu quả để thực hiện cho bằng được các chỉ tiêu đã được giao cho ngành Kiểm sát nhân dân theo qui định của Nghị quyết này.

Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu khi góp ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp thu, chỉnh sửa vào Dự thảo. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, góp ý, đóng góp trí tuệ cùng toàn Ngành hoàn thiện Dự thảo Luật đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đối với những nội dung còn có nhiều ý kiến trái chiều, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC gợi ý Ban soạn thảo có thể sử dụng phương pháp điều tra xã hội học để có kết quả tốt nhất.
 

Nguyễn Huân - Xuân Nha