(BVPL) - Qua nghiên cứu Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung, cho thấy Dự thảo Hiến pháp về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi. Dự thảo đã khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta về phát huy dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên cơ sở thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước. Đồng thời, kỹ thuật lập hiến có những bước tiến bộ, bố cục chặt chẽ, lôgic, khoa học hơn. Các quy định của Hiến pháp dự thảo có tầm khái quát cao, là tiền đề bảo đảm Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, tôi có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về kỹ thuật lập hiến:
Những nội dung là nguyên tắc bất di bất dịch thì nên quy định khẳng định, dứt khoát. Như Điều 4: Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì nên quy định là: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Cần nghiên cứu để sắp xếp, lồng ghép các quy định có nội dung tương đồng hoặc đã có trong nội hàm ở các Điều luật khác vào cùng một Điều luật để Hiến pháp ngắn gọn hơn. Ví dụ, Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền sống” nên ghép vào Điều 22 vì có cùng nội dung các quyền về tính mạng, sức khỏe của con người.
Điều 39 Dự thảo quy định: Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em cần được nghiên cứu, sắp xếp để ghép với Điều 40: Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
Tất cả các điều có quy định “bảo hộ” cần thống nhất ghi là “Nhà nước bảo hộ theo pháp luật” không nên ghi là “pháp luật bảo hộ”.
Thứ hai, về thẩm quyền của Quốc hội:
Khoản 7 Điều 75 Dự thảo bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo chúng tôi, quy định này là chưa phù hợp, bởi vì:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 75, ngoài chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các chức danh khác do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đều có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Nếu Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thì cũng sẽ có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ Quốc hội. Điều này là không phù hợp với Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó nhiệm kỳ Thẩm phán cần kéo dài hoặc bổ nhiệm một lần.
Hơn nữa, Thẩm phán là chức danh mang tính nghề nghiệp, không phải là chức danh lãnh đạo, quản lý, do đó việc thay đổi theo từng nhiệm kỳ Quốc hội sẽ mang tính hình thức, đồng thời phát sinh nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ thường xuyên của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp có liên quan.
Vì vậy, đề nghị không quy định Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như khoản 7 Điều 75 Dự thảo mà giữ nguyên quy định tại khoản 8 Điều 103 Hiến pháp 1992, theo đó Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao như hiện nay là phù hợp.
Thứ ba, về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân:
Nếu chỉ quy định Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước ở địa phương như Điều 116 thì các tổ chức chính trị (trừ Đảng Cộng sản Việt Nam); tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp sẽ do cơ quan nào giám sát: Do đó, nên quy định Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức ở địa phương theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, về chế định Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân:
Tại Chương VIII Dự thảo, bên cạnh việc quy định rõ chức năng của Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 107, Dự thảo chỉ quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Như vậy, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp (Điều 74 Dự thảo); Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 99 Dự thảo), Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (Khoản 1 Điều 107), còn hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là để thực hiện quyền năng nào?
Qua thực tiễn cho thấy, cho đến nay ở nước ta hệ thống lý luận về cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp còn chưa hoàn thiện mà đang trong quá trình tổng kết thực tiễn để đưa ra khái niệm, quy định đầy đủ, chính xác và đồng bộ. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, quan niệm về cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp của các nước cũng không đồng nhất. Hiến pháp và pháp luật của một số nước quy định chỉ có Toà án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và chỉ có hoạt động xét xử là hoạt động tư pháp, nhưng cũng có nhiều nước quy định Viện kiểm sát/Viện công tố cũng là cơ quan tư pháp hoặc được đặt ra trong chế định về cơ quan tư pháp.
Ở nước ta, kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, quan niệm về cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp luôn được hiểu theo nghĩa rộng. Hiến pháp năm 1946 quy định cơ quan tư pháp gồm các Toà án nhưng trong cơ cấu tổ chức của Toà án lại có cơ quan công tố và Thẩm phán của Toà án cũng bao gồm hai loại là Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử (Thẩm phán ngồi) và Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ công tố (Thẩm phán đứng). Các bản Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 đều có một chương riêng quy định về Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Cụ thể hoá quy định của các bản Hiến pháp, các luật, pháp lệnh về tố tụng tư pháp qua các thời kỳ cũng đều quy định về Viện kiểm sát nhân dân với tính chất là cơ quan tư pháp và các hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân với tính chất là hoạt động tư pháp. Các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp cũng đều xác định hoạt động tư pháp bao gồm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; cơ quan tư pháp bao gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và cơ quan Thi hành án.
Như vậy, các chủ trương của Đảng cũng như cách thức thể hiện các quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong các văn bản pháp luật (kể cả Hiến pháp và các Luật, Pháp lệnh về tố tụng tư pháp) và trên phương diện thực tiễn hoạt động tư pháp đều cho phép xác định Viện kiểm sát nhân dân là một cơ quan thuộc hệ thống cơ quan tư pháp; hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là các hoạt động thực hiện quyền tư pháp.
Vì vậy, đề nghị cần bổ sung Điều 112 là Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền tư pháp.
Mặt khác, theo khoản 3 Điều 112 dự thảo Hiến pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đề nghị cần giao cho Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật và kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính. Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Quốc hội kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Viện kiểm sát nhân dân các cấp giúp Hội đồng nhân dân các cấp kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, chính quyền địa phương.
Trong điều kiện Hội đồng Hiến pháp được thành lập, việc giao trách nhiệm cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra, phát hiện, báo cáo Hội đồng Hiến pháp có biện pháp xử lý đối với các văn bản vi phạm Hiến pháp là hoàn toàn có tính khả thi và hiệu quả.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân là chống bỏ lọt tội phạm, kịp thời phát hiện tội phạm để đưa ra truy tố trước pháp luật, vì vậy, cần giao cho Viện kiểm sát chức năng kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính để hạn chế tối đa việc hành chính hóa các hành vi phạm tội, một biện pháp chống bỏ lọt tội phạm hữu hiệu. Đồng thời, đây cũng là cơ chế để kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp quy định tại Điều 2 Dự thảo Hiến pháp. Thực tế, công tác này trước đây Viện kiểm sát nhân dân đã thực hiện có hiệu quả.
Tuy nhiên, do Hiến pháp chỉ quy định những nội dung mang tính chung nhất, các nội dung cụ thể do luật định, vì vậy đề nghị Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên quy định như sau:
“1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và các hoạt động khác do Luật định, thực hiện quyền tư pháp”.
Quy định như trên cũng là để Hiến định một thực tế là ngoài chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như Hiến pháp 1992 quy định thì Viện kiểm sát lâu nay còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như hoạt động điều tra tội phạm, hoạt động tương trợ tư pháp.