Theo Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp hình sự, VKSNDTC thì tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp là một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP) được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Đối với ngành KSND, qua 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49, hoạt động hợp tác quốc tế đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần tích cực vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND, nâng cao vị thế của ngành KSND Việt Nam trong quan hệ quốc tế …

Nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện nhiệm vụ CCTP đề ra, thời gian qua, VKSNDTC đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và đã đạt được những kết quả chủ yếu. Theo đó, việc ký kết và thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự được tăng cường, đã xây dựng kế hoạch dài hạn đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, xây dựng Hiệp định mẫu TTTP về hình sự. Trên cơ sở đó, VKSNDTC đã đề xuất cấp có thẩm quyền, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đàm phán thành công nhiều Hiệp định TTTP về hình sự với các nước; đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép đàm phán Hiệp định TTTP về hình sự với nhiều nước khác. Việc ký kết Hiệp định TTTP với các nước, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống được đẩy mạnh, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 

Hợp tác quốc tế về tư pháp tập trung vào các lĩnh vực như: Tiếp tục ký kết hiệp định TTTP với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống; tổ chức thực hiện tốt các điều ước mà Việt Nam đã tham gia. Tăng cường sự phối hợp chung trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có yếu tố quốc tế với các nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

Thực hiện chức năng của Cơ quan trung ương trong TTTP về hình sự, từ năm 2005 đến nay, VKSNDTC đã tiếp nhận, xử lý nhiều hồ sơ, công văn liên quan đến yêu cầu TTTP của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ. Số liệu cho thấy, thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi Luật TTTP có hiệu lực (năm 2008) thì số lượng yêu cầu TTTP về hình sự có xu hướng tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước. Nội dung yêu cầu TTTP chủ yếu là xác minh lý lịch tư pháp, chuyển giao để truy cứu trách nhiệm hình sự, tống đạt tài liệu, thu thập, cung cấp chứng cứ... Các yêu cầu TTTP ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm nghiêm trọng như: giết người, buôn bán ma túy, buôn bán người, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền... Kết quả công tác TTTP trong thời gian qua đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước giải quyết được những vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, trong đó có một số vụ mang tính chất nghiêm trọng, phức tạp.

Bên cạnh đó, hợp tác song phương và đa phương cũng đã được mở rộng. VKSNDTC đã ký 11 Thỏa thuận hợp tác song phương với VKS, Viện Công tố, Cơ quan Tổng Chưởng lý và cơ sở đào tạo pháp luật các nước; VKS các địa phương đã ký 13 biên bản thỏa thuận hợp tác với VKS các tỉnh của Trung Quốc và Lào. Nội dung các Thỏa thuận hợp tác tập trung vào các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát; nghiên cứu pháp luật, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn; hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế cùng tham gia… VKSNDTC đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng VKS, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 năm 2009; đề ra sáng kiến và phối hợp với VKSNDTC Lào tổ chức thành công 3 Hội nghị VKS các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam và Lào các năm 2009, 2011 và 2013...

Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực cán bộ cũng được tăng cường. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành KSND, VKSNDTC đã tuyển chọn được 04 khóa gồm 94 học viên; đã cử 14 đoàn/172 cán bộ Kiểm sát đi nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện Kiểm sát, cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp của nhiều nước; nghiên cứu xây dựng Đề án “Trao đổi đào tạo cán bộ, KSV với một số nước có nền tư pháp tiên tiến nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức tư pháp phục vụ hội nhập quốc tế”; triển khai thực hiện các dự án quốc tế trong lĩnh vực pháp luật với các đối tác EU, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia...

Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp

Theo ông Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp hình sự, VKSNDTC thì bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế của VKSND cũng còn một số hạn chế, khó khăn như: đối tác còn ít, nội dung hoạt động hợp tác chưa phong phú; số lượng các hiệp định TTTP ký kết với các nước còn ít; số cán bộ Kiểm sát có cơ hội tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài theo các đề án, dự án của Chính phủ còn rất hạn chế; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo phục vụ CCTP, hội nhập quốc tế do Nhà nước cấp cho ngành KSND tuy đã được điều chỉnh nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu... Về một số kiến nghị, đề xuất, ông Tiến cho rằng, cần tăng cường hợp tác với VKS, Viện Công tố các nước có quan hệ truyền thống, các nước có nền tư pháp phát triển, các nước có mô hình công tố mạnh, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, các cơ sở đào tạo cán bộ tư pháp của nước ngoài. Hợp tác quốc tế tập trung vào phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, khủng bố, tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, buôn bán người, tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác; nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trình độ ngoại ngữ và pháp luật quốc tế của cán bộ Kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu CCTP và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, theo ông Tiến thì cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTTP; đẩy mạnh việc xây dựng các điều ước quốc tế về TTTP, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống, các nước có đông người Việt Nam sinh sống...
 

P.V (Lược ghi)