Đổi mới về hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua

Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát và toàn diện của Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao, các phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng của ngành KSND đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả, thành tích đáng ghi nhận, góp phần vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. 

Tuy nhiên, một số phong trào thi đua chưa được VKSND các cấp trong toàn Ngành quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên; nội dung thi đua chưa sát với thực tiễn, kết quả đạt được không đồng đều; việc sơ kết, tổng kết, tổng hợp báo cáo thành tích, lập hồ sơ đề nghị khen thưởng còn có thiếu sót…

Để tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng của Ngành thời gian tới, kịp thời khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế; Ban cán sự đảng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành KSND tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tập trung triển khai có hiệu quả quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác thi đua, khen thưởng.

Đổi mới về hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua, triển khai các giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua; phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Ngành như công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Kiểm sát, về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số...

“Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”

Với phương châm “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", Thủ trưởng các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức các phong trào thi đua để cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết, thực sự trở thành động lực quan trọng tạo sự chuyển biến, lan toả, thành tích năm sau cao hơn năm trước. Thông qua thi đua, khen thưởng để giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, yêu Ngành, yêu nghề của đội ngũ cán bộ trong toàn Ngành.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và 22 đơn vị được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, người đứng đầu các đơn vị trong toàn Ngành phải phát huy vai trò nêu gương, “nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”, là người chỉ đạo, tổ chức thi đua, đồng thời là người đi đầu, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua bằng những việc làm, kết quả cụ thể, nổi trội, thực sự là tấm gương về rèn luyện phẩm chất, đạo đức người cán bộ Kiểm sát, về thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, tạo sức thu hút, lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị. Mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cần ý thức rõ vinh dự, trách nhiệm về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao để thường xuyên học tập, rèn luyện, tích cực thi đua, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả, thành tích tốt nhất.

Công tác khen thưởng phải kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và công bằng

Mặt khác, công tác khen thưởng phải bảo đảm kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và công bằng; quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ; chú ý bồi dưỡng, xây dựng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đủ điều kiện để đề nghị khen thưởng hình thức cao và nhân rộng điển hình tiên tiến; chú trọng khen thưởng đột xuất, bảo đảm thực chất với kết quả, thành tích cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình riêng của từng đơn vị.

Thông qua kết quả thực hiện về công tác thi đua, khen thưởng, các đơn vị phát hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành thuộc thẩm quyền ban hành của Viện trưởng VKSND tối cao; các quy định, quy chế, hướng dẫn, hệ thống biểu mẫu của Ngành kèm theo Sơ đồ tư duy, Sổ tay công tác thi đua khen thưởng để việc triển khai thực hiện được đơn giản, rõ ràng, thuận lợi.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp chỉ đạo đầu mối thường trực theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi đua, khen thưởng; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, quy định, quy chế liên quan đến công tác thi đua khen thưởng của Ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm đơn giản, khoa học, đồng bộ, liên thông và tiết kiệm. Bố trí công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất, đạo đức, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thi đua khen thưởng, tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhất là về kỹ năng tổng hợp kết quả, xây dựng báo cáo, làm hồ sơ đề nghị khen thưởng trong các phong trào thi đua theo chuyên đề, đợt cao điểm, các nội dung được phát động, bình xét theo cụm, khối thi đua.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ việc cần tăng cường công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua. Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao, các trang tin thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trong Ngành tăng thời lượng, xây dựng chuyên mục tuyên truyền về thi đua, khen thưởng, kịp thời thông tin, phản ánh kết quả các phong thi đua, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, quảng bá sâu, rộng thành tích, hình ảnh của ngành KSND.

P.V