(BVPL) - Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, về cơ bản, tiếp tục kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 chế định TAND và VKSND về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy... Nhằm hoàn thiện quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh tư pháp, chúng tôi xin nêu một số đề xuất, kiến nghị như sau:

 


1.Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức

Theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì: Đối với chức danh Thẩm phán, cả Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán các Tòa án khác đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Riêng với Thẩm phán TANDTC, khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, Chủ tịch nước “căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội” (khoản 3 Điều 93). Đối với chức danh Kiểm sát viên thì chỉ có Kiểm sát viên VKSNDTC là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước (khoản 3 Điều 93). Còn các ngạch Kiểm sát viên khác thì do luật định (khoản 3 Điều 114).

Như vậy, với những quy định này, theo chúng tôi có một số điểm chưa được đầy đủ, rõ ràng và thống nhất, như sau:

Thứ nhất là, đã tạo ra sự khác biệt về địa vị pháp lý giữa Thẩm phán và Kiểm sát viên. Thứ hai là, chưa kế thừa được những quy định mang tính truyền thống đã được kiểm nghiệm và khẳng định trong thực tiễn là các ngạch, bậc; cơ cấu các chức danh tư pháp ở từng cấp; chế độ chính sách đãi ngộ; chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức... của Thẩm phán và Kiểm sát viên là như nhau. Thứ ba là, chưa thể hiện và tạo được sự phù hợp cao với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp là “tổ chức hệ thống VKSND thành bốn cấp, phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND”. Thứ tư là, tính khả thi chưa cao, có thể sẽ gây khó khăn cho thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các ngành, nhất là ngành Tòa án vì: Một là, số Thẩm phán TANDTC hiện có nhiều (120 người), được bổ nhiệm ở những thời điểm khác nhau, khi hết nhiệm kỳ phải bổ nhiệm lại; trong khi đó việc bổ nhiệm, miễm nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC phải “căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội” (khoản 3 Điều 93), thì có thể, gần như kỳ họp nào Quốc hội cũng phải xem xét việc này, mà mỗi năm Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, lại phải giải quyết nhiều việc hệ trọng của quốc gia. Vì thế, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức không kịp thời rất có thể xảy ra. Hai là, “Thẩm phán các Tòa án khác” cũng phải do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức (khoản 3 Điều 93), mà với số lượng không phải là nhỏ, cũng là một khó khăn không chỉ ở việc bảo đảm tính kịp thời, mà còn ở việc phát sinh thêm những thủ tục, bộ máy giúp việc thẩm định...

Để hoàn thiện, chúng tôi xin đề xuất việc quy định khoản 3 Điều 93 theo một trong 02 phương án sau: Phương án 1: Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC cũng giống như với Kiểm sát viên VKSNDTC: đều do Chủ tịch nước quyết định, như quy định hiện hành. Điều 93 bỏ đoạn: “Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC” mà bổ sung cụm từ “Thẩm phán TANDTC” vào trước cụm từ “Thẩm phán các Tòa án khác”. Phương án 2: Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên VKSNDTC cũng giống như với Thẩm phán TANDTC, Chủ tịch nước sẽ “căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội” để ra quyết định. Như vậy, đề nghị chuyển cụm từ “Kiểm sát viên VKSNDTC” vào sau cụm từ “Thẩm phán TANDTC” của đoạn “căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội...”.

Tuy vậy, để thuận tiện cho quy định này, đề nghị bổ sung thêm một ngạch mới là Thẩm phán cao cấp và Kiểm sát viên cao cấp cho phù hợp với dự kiến thành lập hệ thống TAND và VKSND theo bốn cấp. Thẩm phán TANDTC và Kiểm sát viên VKSNDTC chỉ giới hạn là những thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC hoặc Ủy ban kiểm sát VKSNDTC.

Quan điểm đề xuất của chúng tôi là chọn phương án 2.

2. Bổ sung và quy định đầy đủ hơn các chức danh tư pháp

Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì các chức danh tư pháp của VKSND có Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên; ngoài những quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Viện trưởng VKSNDTC, các Phó Viện trưởng VKSNDTC và các Kiểm sát viên VKSNDTC, thì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức “Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên VKSND địa phương và VKS quân sự các quân khu và khu vực…” là do Viện trưởng VKSNDTC quyết định (Điều 138 Hiến pháp năm 1992). Nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới chỉ quy định “Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu”, “việc bổ nhiệm… Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định” (khoản 1 Điều 113), Chủ tịch nước “bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức… Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSNDTC” (khoản 3 Điều 93) và với Kiểm sát viên thì “do luật định” (khoản 3 Điều 114). Như vậy, còn thiếu quy định về việc bổ nhiệm các Phó Viện trưởng các VKS khác. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 113 cụm từ “Phó Viện trưởng” sau cụm từ “Viện trưởng” và trước cụm từ “các Viện kiểm sát khác…”.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ở VKSND, ngoài các chức danh tư pháp như đã nêu trên, còn một số chức danh khác như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Kiểm tra viên; hoặc ở ngành TAND còn chức danh Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Kiểm tra viên, Thư ký Tòa án chưa được quy định. Do vậy, cũng cần nghiên cứu để bổ sung và quy định để tạo điều kiện cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, cũng như thuận lợi cho việc xây dựng các Luật tổ chức sau khi Hiến pháp mới được ban hành.

Chúng tôi xin đề xuất bổ sung cụm từ “và các chức danh tư pháp khác” sau cụm từ “Thẩm phán” ở khoản 3 Điều 110 và cụm từ “Kiểm sát viên” ở khoản 3 Điều 114, trước cụm từ “… do luật định”.
 

     PV (lược ghi)

.