Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; đồng chí Hồ Đức Anh.
|
|
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao. |
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo cấp vụ một số cơ quan, bộ, ngành Trung ương; toàn thể lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự các cấp.
|
|
Các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và đại biểu dự Hội nghị. |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; kết nối từ điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến hơn 800 điểm cầu trong toàn ngành KSND.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã giao trách nhiệm của VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, rà soát BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024. Mặt khác, quán triệt các yêu cầu, chủ trương mới của Đảng về cải cách bộ máy Nhà nước, cải cách tư pháp được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; trong đó, đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ về cải cách tư pháp đó là “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân" và đồng thời nhấn mạnh “Hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".
|
|
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc, chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đặc biệt, là những quan điểm, tư tưởng mới của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy lập pháp, về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật; trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án và trong đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước nói chung, các cơ quan tư pháp nói riêng theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” (như Quy định 141, 144, 178, Nghị quyết 18...) và những xu hướng đổi mới nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của VKSND trong các đề án của VKSND được Trung ương giao tham mưu, nghiên cứu đề xuất và việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nhằm xây dựng VKS hiện đại, VKS số, đảm bảo sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến một số hoạt động mà VKSND có trách nhiệm triển khai thực hiện (Đề án 06 của Chính phủ) đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến các quy định trong các đạo luật nêu trên.
Xuất phát từ những yêu cầu nêu trên, VKSND tối cao đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch rà soát, đánh giá sơ kết 8 năm thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và 5 năm thi hành BLTTHS trong ngành KSND. Trong đó, đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương; các cơ quan ban, ngành ở địa phương tổ chức nhiều hội thảo lớn, nhỏ với từng cơ quan có liên quan để trao đổi, thảo luận, đánh giá về thuận lợi, bất cập, hạn chế từ các quy định của luật, cũng như thực tiễn thi hành và áp dụng các quy định của hai đạo luật trên, từ đó đề ra giải pháp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ, khắc phục các khó khăn, bất cập. Những nội dung này đã được VKSND tối cao tổng hợp đầy đủ trong dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và đã gửi đến các đơn vị trong toàn Ngành để nghiên cứu góp ý hoàn thiện dự thảo báo cáo trước khi gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
|
|
Các điểm cầu tại Hội nghị. |
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị các đại biểu thảo luận, góp ý kỹ các nội dung của báo cáo, nhất là những khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn thực hiện và bám sát vào các chủ trương, định hướng mới của Đảng để từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp trong thời gian tới; đặc biệt là các ý kiến đóng góp của đại diện các các bộ, ngành để trên cơ sở đó, VKSND tối cao tiếp thu, hoàn thiện báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Với tinh thần trách nhiệm, khách quan, tâm huyết của các đại biểu, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tin tưởng, Hội nghị sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo hành lang pháp lý để đấu tranh hiệu quả với tội phạm và đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND trong giai đoạn mới.
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe dự thảo báo cáo bằng hình ảnh kết quả nghiên cứu, rà soát BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành KSND.
Qua rà soát cho thấy, BLTTHS cơ bản bảo đảm tính phù hợp, khả thi và phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Tuy quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số vướng mắc, bất cập nhưng không lớn. Các vướng mắc, bất cập tập trung chủ yếu vào 6 nhóm.
Đối với Luật Tổ chức VKSND, tại thời điểm ban hành (vào năm 2014), các quy định của Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp; tất cả các văn bản trong phạm vi rà soát đều bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
|
|
Đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu bế mạc, kết luận tại Hội nghị. |
Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm tính khả thi, đã đi vào thực tiễn cuộc sống, là nền tảng pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp kể từ thời điểm có hiệu lực thi hành đến nay. Tuy nhiên, qua rà soát, có 21/101 điều luật còn có hạn chế, bất cập.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu trong ngành KSND và đại diện một số bộ, ngành Trung ương đã phát biểu ý kiến tham luận, trao đổi, thảo luận về dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) và Luật Tổ chức VKSND năm 2014; đề cập những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật thực tiễn thi hành; nguyên nhân của tồn tại, hạn chế. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập và hoàn thiện các quy định của BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành và nâng cao hiệu quả thi hành trong thực tiễn.
|
|
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao phát biểu, điều hành phần tham luận tại Hội nghị. |
Phát biểu bế mạc và kết luận Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một buổi sáng tổ chức, Hội nghị đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu, thảo luận, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh nhấn mạnh, về cơ bản các ý kiến thống nhất như dự thảo Báo cáo về ưu điểm, việc nhận diện những vướng mắc, khó khăn, bất cập…
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Hồ Đức Anh đề nghị Vụ 14, VKSND tối cao tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện báo cáo để gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến bảo đảm tiến độ.