(BVPL) - 5 năm liên tục dẫn đầu, trong đó có 3 năm được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ, đó là thành tích nổi bật mà VKSND tỉnh Nghệ An đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Trò chuyện với PV báo Bảo vệ pháp luật, nhân dịp Viện KSND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến và các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành, đồng chí Tăng Ngọc Tuấn- Viện trưởng đã khẳng định “làm tốt công tác thi đua, khen thưởng là tiền đề đẫn đến thành công”.
 
Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn phát biểu tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác Kiểm sát 2015 khu vực Bắc Trung Bộ
Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn phát biểu tham luận tại Hội nghị sơ kết công tác Kiểm sát 2015 khu vực Bắc Trung Bộ

 

PV: Thưa đồng chí! Được biết 5 năm gần đây, ngành Kiểm sát Nghệ An đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đồng chí hãy cho biết một số nét về công tác lãnh đạo, tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua?
 
Viện trưởng Tăng Ngọc Tuấn: Trong 5 năm qua, phát huy truyền thống, kết quả và những bài học kinh nghiệm rút ra từ các phong trào thi đua yêu nước đã tổ chức, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Nghệ An đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều biện pháp cụ thể để tổ chức, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành. VKSND tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai và thực hiện tốt các phong trào Thi đua yêu nước do Chính Phủ, VKSND tối cao và UBND tỉnh phát động, hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt phương châm "Đổi mới, Kỷ cương, Hướng về cơ sở"; nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"  gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên"Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh; kỷ c¬ương và trách nhiệm. Qua đó làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của Cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị đến từng cán bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác dụng của công tác thi đua - khen thưởng, đưa công tác thi đua trở thành động lực thúc đẩy thực hiện hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác.    
 
Để làm tốt điều này, VKS hai cấp đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 39/CT-TW năm 2004 của Bộ Chính trị về "Đổi đổi mới công tác thi đua - khen thưởng và nhân điển hình tiên tiến", Chỉ thị số 03- CT/TU năm 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về "Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010- 2015", cùng các Kế hoạch của Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao, của Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Nghệ An và quán triệt thực hiện nghiêm túc Luật thi đua - khen thưởng; Quy chế thi đua - khen thưởng ngành KSND và các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thi đua - khen thưởng …
 
Kết quả, VKSND tỉnh Nghệ An đã phát động được nhiều phong trào với nội dung thi đua có trọng tâm, trọng điểm, với chương trình, kế hoạch thi đua rõ ràng, sâu sát, tổ chức phát động và ký kết giao ước thi đua đầy đủ, mang lại hiệu quả cao, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành.
 
VKSND tỉnh Nghệ An đón nhận Cờ thi đua Chính phủ 2014
VKSND tỉnh Nghệ An đón nhận Cờ thi đua Chính phủ 2014

 

PV: Với công tác lãnh đạo, tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua sâu sát và hiệu quả như vậy, chắc kết quả đạt được rất khả quan. Đồng chí hãy cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được?
 
Viện trưởng Tăng Ngọc Tuấn: Trong 5 năm qua, ngành Kiểm sát Nghệ An đạt kết quả cao trên các lĩnh vực công tác. Trong đó, nổi bật nhất là khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Toàn ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 37/QH13, Nghị quyết 63/QH13 của Quốc hội về chỉ tiêu, biện pháp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Theo đó, lãnh đạo, KSV ở các đơn vị đã nêu cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ; thận trọng, kiên quyết trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định của CQĐT và cơ quan liên quan; kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố và trong suốt tiến trình tố tụng; nâng cao chất lượng các bản yêu cầu điều tra. Do vậy, trong 05 năm qua, không có vụ án nào khởi tố oan sai, VKS truy tố tòa tuyên không phạm tội; hạn chế được việc bỏ lọt tội phạm. VKSND hai cấp chú trọng các chỉ tiêu nghiệp vụ, nhất là không để xảy ra việc khởi tố oan, khởi tố sau đó phải đình chỉ điều tra vì không có sự việc phạm tội; bắt, tạm giữ hình sự sau đó phải xử lý hành chính, truy tố sai tội danh, sai thẩm quyền; bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm huỷ án. Tỉ lệ án trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần qua các năm (năm 2010 là 1,75%, năm 2011 là 1,37%, năm 2012 là 1,26%, năm 2013 là 1,24% và năm 2014 là 0,6%).
 
Viện kiểm sát hai cấp cũng đã phối hợp tốt với cơ quan điều tra và toà án để đẩy nhanh tốc độ giải quyết, đảm bảo các vụ án đều được xử lý trong thời hạn luật định. Với số lượng án ở giai đoạn điều tra 11.394 vụ/21.393 bị can, giai đoạn VKS phải xử lý 10.198 vụ/ 18.714 bị can, giai đoạn xét xử  theo thủ tục sơ thẩm 10.379 vụ, 18.899 bị cáo, theo thủ tục phúc thẩm 1.439 vụ, 3.687 bị cáo…. Nhưng VKS hai cấp luôn đạt và vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong các khâu kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử. Như: Chỉ tiêu án giải quyết trong giai đoạn điều tra qua các năm đều đạt trên 90% (vượt chỉ tiêu ngành giao và Nghị quyết 37/QH13 hàng năm đều trên 10%); Tỉ lệ giải quyết án của VKS các năm đều trên 96% (vượt chỉ tiêu ngành giao 6%); Tỉ lệ giải quyết án của Tòa án hàng năm đều đạt trên 95%… 
 
Đặc biệt, thông qua công tác kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm, kiểm sát việc khởi tố, Viện kiếm sát hai cấp đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 190 vụ án hình sự, 366 bị can; hủy quyết định khởi tố 11 vụ; hủy 09 quyết định khởi tố bị can; hủy 04 quyết định không khởi tố vụ án hình sự; yêu cầu thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố 13 trường hợp; từ chối phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giữ 03 trường hợp; từ chối phê chuẩn tạm giam 13 trường hợp; hủy quyết định tạm giữ 06 trường hợp. Các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát đều được cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc. 
 
Để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, VKS hai cấp phối hợp cùng các cơ quan tiến hành tố tụng xác định 458 vụ án trọng điểm, 49 vụ án rút gọn, 209 vụ án rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, xét xử 1.314 vụ án lưu động nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, được cấp uỷ và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thông qua kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, VKS hai cấp đã ban hành 49 bản kháng nghị phúc thẩm, 18 kháng nghị giám đốc thẩm, 293 bản kiến nghị vi phạm đối với cơ quan điều tra và 186 bản kháng nghị, kiến nghị đối với cơ quan Toà án… 
 
Về các lĩnh vực khác như: Kiểm sát giải quyết án Dân sự, thi hành án, khiếu nại tố cáo… VKS hai cấp cũng phải thụ lý giải quyết một khối lượng công việc lớn, nhưng với sự năng động trong quản lý, chỉ đạo, sự đổi mới trong hoạt động nghiệp vụ, nên các lĩnh vực này VKS hai cấp đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Điển hình như trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, ngành Kiểm sát Nghệ An đã thụ lý kiểm sát giải quyết 16.665 vụ, việc theo trình tự sơ thẩm, 772 vụ, việc theo trình tự phúc thẩm nhưng các đơn vị đã tích cực và chủ động kiểm sát 100% thông báo thụ lý của Toà án; tham gia 100% phiên toà, phiên họp dân sự; kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định giải quyết của Toà án; áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện vi phạm của Toà án. Thông qua công tác này VKS hai cấp đã kháng nghị theo trình tự phúc thẩm 207 vụ, báo cáo kháng nghị phúc thẩm và giám đốc thẩm là 83, hầu hết các kháng nghị của Viện kiểm sát đều được Toà án chấp nhận. Ngoài ra, các đơn vị còn ban hành được 246 bản kiến nghị Tòa án khắc phục, sữa chữa các vi phạm, thiếu sót; Phòng nghiệp vụ cũng đã ban hành 73 bản thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện.
 
Bên cạnh hoạt động nghiệp vụ, thì các khâu công tác khác cũng được đơn vị chú trọng, đạt được nhiều kết quả tích cực, như công tác báo cáo, thống kê tội phạm và ứng dụng công nghệ thông tin; Công tác tuyên truyền; xây dựng pháp luật. Nhất là trong khâu công tác xây dựng ngành, đã quan tâm nhiều tới việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát viên có lập trường chính trị, tư tưởng, vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Công tác xây dựng ngành được gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể…
 
Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn tặng hoa các đội đạt giải giao lưu bóng chuyền nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành KSND
Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn tặng hoa các đội đạt giải giao lưu bóng chuyền nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành KSND

 

PV: Như vậy, trong 5 năm qua phong trào thi đua của ngành Kiểm sát Nghệ An đã giữ vững được truyền thống và có nhiều đổi mới, khởi sắc, đồng chí hãy cho bạn đọc báo BVPL biết những thành tích xuất sắc đã đạt được?
 
Viện trưởng Tăng Ngọc Tuấn: 5 năm qua, VKSND tỉnh Nghệ An liên tục được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó có 3 lần được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2011, 2012, 2014), 2 lần được tặng thưởng Cờ thi đua Ngành KSND; có 26 lượt tập thể được công nhận danh hiệu "Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân"; 65 lượt tập thể được công nhận "Tập thể lao động xuất sắc" và 01 tập thể được tặng thưởng "Bằng khen Thủ tướng Chính phủ".
 
Về cá nhân, có 2 đồng chí được tặng thưởng "Huân chương lao động hạng Nhì"; 1 đồng chí được truy tặng "Huân chương lao động hạng 3; 1 đồng chí được tặng thưởng "Huân chương lao động hạng 3"; 01 đồng chí được công nhận "Chiến sỹ thi đua toàn quốc"; 16 đồng chí được công nhận danh hiệu "Chiến sỹ thi đua ngành"; 58 lượt đồng chí được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng "Bằng khen"; 221 lượt đồng chí đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở" và nhiều đồng chí được nhận Bằng khen của ngành, của Uỷ ban nhân dân tỉnh trong các đợt thi đua. 
 
PV: Xin chúc mừng những thành tích mà ngành Kiểm sát Nghệ An đã đạt được. Đồng chí hãy cho biết nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để giữ vững và phát huy những thành tích qua hàng năm?
 
Viện trưởng Tăng Ngọc Tuấn: Để đạt được những thành tích trên đây là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân; sự hỗ trợ, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong khối nội chính và trong hệ thống chính trị. Nhất là, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, thường xuyên đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua, gắn hoạt động thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, xem đây là tiền đề dẫn đến thành công trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân.
 
Về bài học kinh nghiệm, VKSND tỉnh Nghệ An rút ra 4 điểm chính, đó là: vai trò của Cấp uỷ, Lãnh đạo chuyên môn và các tổ chức quần chúng phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên quan tâm chỉ đạo và luôn tiên phong trong các phong trào thi đua; về nội dung, phải bám sát, gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành, với các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua cụ thể, thiết thực, kết hợp giữa thi đua ngắn hạn và dài hạn, gắn thi đua của ngành với phong trào thi đua của địa phương;  Luôn quan tâm, coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, tính cộng sự, tôn vinh đồng nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm  đối với đơn vị, với nhiệm vụ được giao và các đợt, kỳ thi đua phải có phát động, sơ tổng kết, biểu dương khen thưởng kịp thời, chính xác, công bằng và dân chủ tạo sự đoàn kết và đồng thuận cao.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
 
Bùi Tiến (thực hiện)