(BVPL) - Ngày 28/02/2013, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến ngành KSND góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chủ trì Hội nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu khai mạc Hội nghị.


Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường; đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ….

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, Hiến pháp năm 1992 được ban hành đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trước những chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế, nhất là để thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước đề ra trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI, Đảng và Nhà nước ta quyết định sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với yêu cầu mới. Đồng chí Viện trưởng cho biết, thực hiện nhiệm vụ góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngành KSND đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động như xây dựng và triển khai Kế hoạch lấy ý kiến trong toàn Ngành; phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và yêu cầu các cấp kiểm sát quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đóng góp ý kiến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả… Những việc làm này đã thể hiện thái độ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao của ngành KSND đối với quá trình xây dựng Hiến pháp. Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, KSV toàn Ngành đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Cũng qua Hội nghị này sẽ góp phần làm cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chế định VKSND trong Hiến pháp, từ đó đóng góp tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp nói chung và chế định VKSND nói riêng. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, sửa đổi Hiến pháp là công việc hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến mỗi người dân và toàn xã hội, trong đó có thiết chế VKSND, vì thế mỗi người cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, bằng tất cả kiến thức và kinh nghiệm của mình tham gia thảo luận và đề xuất các ý kiến cụ thể và có chất lượng để Hội nghị sẽ là nơi hội tụ được trí tuệ, tâm huyết của toàn ngành Kiểm sát trong việc đóng góp hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong buổi sáng ngày 28/2, Hội nghị đã tiến hành thảo luận dưới sự điều hành của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC nối điểm cầu VKSNDTC với 65 điểm cầu ở VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKS quân sự Trung ương, đại diện Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh. Các ý kiến đã tập trung thảo luận, góp ý về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của VKSND và một số nội dung khác trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; những vấn đề mới đang được nhân dân, các ngành, các cấp quan tâm. Kết luận Hội nghị trực tuyến, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và với phương pháp tổ chức và điều hành hội nghị khoa học, Hội nghị trực tuyến toàn ngành Kiểm sát góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu được nhiều ý kiến tham gia có chất lượng, diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp. Theo đồng chí Viện trưởng VKSNDTC thì những ý kiến tham gia tại Hội nghị có nội dung phong phú, có cơ sở lý luận và thực tiễn và có nhiều điểm mới. Đồng chí Viện trưởng VKSNDTC mong rằng, các đại biểu với trách nhiệm của một công dân và là người cán bộ, công chức ngành Kiểm sát, sau Hội nghị và bằng nhiều hình thức sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.   

Chiều cùng ngày, VKSNDTC, VKS quân sự Trung ương, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành thảo luận tại địa phương, đơn vị mình. Kết quả thảo luận sẽ được tổng hợp gửi về VKSNDTC, đồng thời gửi cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để tập hợp, báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.    
 

Văn Tình

.