Dưới sự chủ trì của Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban Soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), vừa qua, tại trụ sở VKSNDTC đã diễn ra cuộc họp Tổ Biên tập và Tổ Cộng tác viên để thảo luận, góp ý về Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Cùng tham dự cuộc họp có ông Nishioka Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản và một số thành viên trong Đoàn…
 

Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại cuộc họp.
Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại cuộc họp.


Tại cuộc họp, Thường trực Tổ Biên tập Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đã trình bày những nội dung mới của Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi). Theo Thường trực Tổ Biên tập, Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu gồm 7 chương, 20 mục, 114 điều. Về nội dung, Chương I (Những quy định chung) quy định các vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND với những nội dung mới cơ bản như bổ sung nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN trong tổ chức và hoạt động của VKSND, nguyên tắc độc lập, nguyên tắc giám sát; bổ sung quy định về thời hạn thực hiện các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của VKSND trong trường hợp các luật chuyên ngành không quy định. Chương II (Tổ chức của VKSND) quy định các vấn đề về hệ thống VKSND; thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể VKSND; cơ cấu tổ chức và cơ cấu cán bộ của từng cấp VKS; tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm sát (UBKS) ở từng cấp. Chương III (Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND) quy định về đối tượng, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong từng lĩnh vực công tác. Chương IV (Cán bộ của VKSND) quy định về chế độ pháp lý của các chức danh pháp lý, các chức vụ lãnh đạo của VKSND. Chương V (VKS quân sự) quy định các vấn đề có tính đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ, hoạt động giám sát và những điều kiện bảo đảm hoạt động của VKS quân sự. Chương VI (Bảo đảm hoạt động của VKSND) quy định về thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên VKSND; chế độ đối với cán bộ VKSND; kinh phí hoạt động của VKSND; khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý hành chính của VKSND.

Cũng theo Thường trực Tổ Biên tập Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) thì qua tổng kết thực tiễn cũng như trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật đã nổi lên một số vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau như về việc có tổ chức UBKS ở VKSND cấp cao không; về Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên; về địa vị pháp lý của Kiểm sát viên; về việc quy định Kiểm tra viên là một chức danh tố tụng; về thẩm quyền điều tra của VKSND.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc tham gia đóng góp ý kiến đối với những nội dung mới và những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự thảo 1 Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC đề nghị Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tại cuộc họp để tiếp tục tổng hợp, chỉnh sửa Dự thảo.      
 

V.T