(BVPL) - Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bình luận một số vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan: Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tòa án Quân sự Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, đại diện một số đơn vị của VKSNDTC tại TP. Hồ Chí Minh… Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì và điều hành Hội thảo.

 

Đồng chí Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Đồng chí Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC cho biết: Ban soạn thảo dự Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) muốn được nghe nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo thứ nhất này để lựa chọn những phương án tối ưu. Mong rằng, bằng sự nhiệt tình, bằng kinh nghiệm và trách nhiệm, bằng sự tâm huyết của các đồng chí trong Ngành cũng như ngoài Ngành tham dự Hội thảo lần này sẽ góp ý thẳng thắn những quy định nào không ổn cần loại bỏ, những quy định nào cần bổ sung nhằm hoàn thiện hơn bản dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) lần này.

Đồng chí Lê Hữu Thể nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) cần quán triệt các nội dung sau:

Một là, thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp, trong đó có tổ chức và hoạt động của VKSND, thể hiện trong các Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49” và Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Hai là, xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phải trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức, hoạt động của VKSND theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức VKSND và các văn bản pháp luật khác có liên quan từ trước đến nay; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố/kiểm sát của Nhà nước ta trong hơn 60 năm qua; khắc phục những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật.

Ba là, xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phải xuất phát từ đặc điểm cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá của nước ta, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân.

Bốn là, xây dựng Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp, với các luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTV Quốc hội; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát.

Năm là, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố/kiểm sát của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp với truyền thống văn hoá, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể của nước ta.

Trong chương trình Hội thảo, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau đó là: Về vai trò của Ủy ban kiểm sát (UBKS); Về việc tổ chức UBKS ở các cấp VKS; Về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên; Về nhiệm vụ của KSV; Về ngạch của KSV; Về nhiệm kỳ của KSV; Về thẩm quyền điều tra của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; Về thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSND; Về việc tổ chức các đơn vị nghiệp vụ ở VKSND cấp cao.
 

Phi Sơn

.